Top

Nhà trong khu quy hoạch treo và thảm cảnh mua bán

Cập nhật 18/05/2009 13:50

Ở TP.HCM, nghe nói đến “quy hoạch treo”, “dự án treo” là người dân ái ngại. Bởi khi đã lọt vào khu “treo”, hàng loạt sinh hoạt của người dân cũng theo đó mà bị treo lơ lửng. Một trong những thảm cảnh đó là khó lòng sửa chữa, nâng cấp, mua bán nhà.

Trên mục rao của báo Mua và Bán, có một mẩu tin: “Nhà 4m x 20m, diện tích đất 200m2, phường 15 Gò Vấp. Số nhà UBND quận cấp. Tờ khai năm 1999. Giá 350 triệu. Liên hệ: 0903xxxxxx”. Ở TP.HCM, những ngôi nhà dù chưa được cấp phép nhưng đã được kê khai vào năm 1999, không tranh chấp và vi phạm quy hoạch, là được công nhận hợp pháp, được làm thủ tục xin cấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ hồng).

Trần ai bán nhà

Vì vậy, thông tin trên mẩu rao bán kia có sức hút mãnh liệt. Hoàng, người dắt mối cho căn nhà này cho biết, mỗi ngày anh đưa vài chục khách vào xem.

Thế nhưng, khách liên tục vào ra cũng có nghĩa là không ai mua. Hầu như tất cả vào rồi cũng lắc đầu đi ra.

Cù lao Ấp Doi P.15, quận Gò Vấp thuộc khu quy hoạch công viên cây xanh từ năm 1998. Cư dân ở đây muốn xây sửa, mua bán và chuyển nhượng luôn khó khăn.

Bà chủ nhà tiếp khách mãi nhưng không bán được, đâm nổi khùng. Lúc đầu khách vào xem, bà còn đưa tờ giấy nguồn gốc ra cho xem, nhưng càng về sau càng đổ quạu: “Mua thì mua, không mua thì thôi, nhà này trong khu quy hoạch treo đấy, khỏi cần coi giấy tờ!"



Ngôi nhà 188 Bình Long được rao bán đã 2
năm nay nhưng chưa ai mua. Ảnh: Đặng Vỹ


Ngược ra một chút, khá gần đường Thống Nhất cũng trên cù lao Ấp Doi, ngôi nhà số 58/xx có diện tích 5,5m x 15m, cũng rao bán với giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên đã hơn tháng qua, bao nhiêu lượt người đến rồi lại đi, cũng vì dính cái quy hoạch này.

Khốn khổ cho một gia đình đang thuê ở, phải mở cổng liên tục, suốt ngày. Khách đến xem nghiêng nghiêng ngó ngó, nhìn vào tận buồng ngủ của vợ chồng. Một buổi giữa trưa, đang nghỉ thì bị gọi, người thuê nhà ở nhất định không chịu mở cửa. Bí quá, người môi giới phải gọi cho chủ nhà can thiệp. Lúc này, người thuê nhà mới chịu ra mở, mặt nhăn nhó, miệng lầu bầu.

Con đường Bình Long, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú quy hoạch 30m, nhưng mấy năm qua, đoạn làm đoạn bỏ dở dang. Ngôi nhà số 188 của ông Hùng rao bán đã 2 năm nay nhưng không bán được. Mùa mưa, đoạn ngã ba Bình Long - Thạch Lam nước đọng thành vũng lớn, tràn vô nhà. Chủ nhà chỉ biết đổ đất tôn nền chứ không dám nâng nhà, vì không biết đường có mở rộng hay không. Tuy nhiên, những đoạn thi công trải nhựa cũng chỉ rộng 10m.



Quá cần giao dịch, hầu hết những cuộc mua bán đều
là mua vụng, bán trộm, viết giấy tay. Ảnh: Đặng Vỹ


Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại

Đang làm việc, nghe có điện thoại khách gọi tới, bà Linh (chủ một căn nhà ở Q.8) xin phép cơ quan, te te xe máy chạy 7 cây số về nhà. Đon đả rót nước, đem giấy tờ ra, trả lời hết câu hỏi nọ đến vặn vẹo kia của khách, giải thích, phân trần... chừng nào khách hết hỏi mới thôi.

Nghe chán chê, cuối cùng khách… xin tờ giấy nhà đất, để ra phường hỏi thông tin. Lại chạy lên cơ quan. Có điện thoại! Lại tất bật chạy về. Và tiếp tục điệp khúc đon đả mời nước, nói - nói - nói, phô tô giấy tờ, tiễn khách và dài cổ chờ đợi những ngày sau đó.

Chưa bán đã khó, kể cả bán rồi cũng chưa chắc ăn. Căn nhà gần cầu Chợ Cầu, phường 14, Gò Vấp có diện tích 4m x 15m, khá xinh với một tấm đúc, nội thất khang trang. Khách đến xem nhà, ông chủ chạy xe máy cách đó 8 cây số về mở cửa. Khách đặt cọc 2 triệu đồng giữ chỗ để hôm sau mua bán. Chủ nhà mừng khấp khởi bởi treo bảng 2 tháng trời phơi mưa nắng nay đã có người mua.

Thế nhưng, hết 3 ngày khách chẳng trở lại. Chủ nhà gọi điện thoại và tiu nghỉu khi khách cho biết chấp nhận mất tiền cọc bởi sợ cái quy hoạch.

“Thật là mệt mỏi. Các ông đi mua nhà đã cực, coi trăm cái chưa mua được một, nhưng bọn tôi bán nhà cũng cực không thua”, chủ căn nhà nằm trong khu quy hoạch phường Hiệp Thành, Q.12, bắt đầu nhăn nhó. “Nhất là loại nhà dính quy hoạch, chục người coi chưa có một người quay lại lần 2”.

Mua vụng bán trộm

Trên các mẩu rao bán, khi có chữ “giấy tờ hợp lệ” tức có nghĩa căn nhà chưa có các loại giấy chứng nhận của cơ quan quản lý, mà chỉ có các loại giấy tờ về nguồn gốc đất, thể hiện đất có chủ, không tranh chấp dân sự. Khá hơn một chút, đó là tờ… biên bản phạt nhà xây trái phép, tức đã có chính quyền biết và cho tồn tại.

Việc mua bán những căn nhà này chẳng có cơ quan nào làm chứng, xác nhận, mà tự mua bán với nhau, gọi nôm na là “mua bán giấy tay”. Ai cũng phải hiểu, mua nhà loại này là chấp nhận rủi ro, nếu chính quyền giải tỏa thì chỉ đền bù giá đất nông nghiệp, người mua nhà gần như mất trắng.

Thế nhưng ở thành phố hơn 8 triệu dân này, người nghèo, người có thu nhập ít ỏi chiếm số lượng lớn. Bức xúc về nhu cầu ở, nhiều người đành nhắm mắt mua liều, rồi ra sao thì ra.

Lý luận chung của người bán là “biết đến bao giờ họ thực hiện dự án này mà lo. Dự án này quy hoạch đã 15 - 20 năm nay, giờ vẫn y nguyên. Lâu rồi dân sống dày lên, không giải tỏa nổi. Biết đâu lúc đó lại xóa treo, may thì được giá”.

Còn người mua quá cần nhà để ở, cũng lấy lý luận đó mà trấn an mình. Tuy nhiên, mua và ở rồi nhưng trong lòng vẫn cứ không yên, đêm ngủ không ngon giấc.

“Ở mà trong lòng không yên”, bà Huỳnh Ngọc Nga, mua căn nhà 500 triệu đồng “không giấy tờ” ở quận 9, bày tỏ.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet