Top

Nhà thầu kém: Lại cảnh báo hệ luỵ

Cập nhật 27/10/2011 15:15

Sáng 27/10, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị sửa gấp Luật Đấu thầu nhằm tránh tình trạng chọn nhà thầu năng lực ảo - một nguyên nhân làm hỏng Quy hoạch điện VI vừa qua.

Theo khảo sát các dự án nhiệt điện đang vận hành, một lần nữa, cơ quan này nhấn mạnh: "Sự yếu kém của các nhà thầu chính là nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng chậm tiến độ từ 1-3 năm, thậm chí dài hơn ở hàng chục dự án điện trong Quy hoạch VI (2006-2010)".

Đặc biệt, trường hợp này diễn ra phổ biến ở công trình điện các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, không chỉ chậm tiến độ mà còn có dự án không triển khai được. Các nhà thầu nước này có kinh nghiệm kém, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư như nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1...

Hệ lụy của việc chọn các nhà thầu kém còn diễn ra trong cả giai đoạn vận hành sau này, khi mà công nghệ và các tiêu chuẩn áp dụng của Trung Quốc không tiên tiến, do đó thiết bị thường gặp nhiều lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Nhà nước về tính nghiêm trọng của vấn đề này và đề xuất các giải pháp để giải quyết, nhưng đến nay, việc sửa Luật Đấu thầu vẫn chậm trễ.

VEA cho hay: "Trong số các vấn đề được nêu ra, chúng tôi luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn Nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc... ".

Cần sửa gấp Luật Đấu thầu nhằm tránh tình trạng chọn nhà thầu năng lực ảo (ảnh minh họa)

Chỉ với một số trường hợp đặc biệt, chủ đầu tư đã biết rõ năng lực kinh nghiệm và khả năng tài chính mới nên được phép chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC và các tư vấn.

Nói cách khác, Hiệp hội này khẳng định mạnh mẽ: "Giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC - thay vào đó, các vấn đề như chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước nên được ưu tiên và xem là các yếu tố quyết định)".

Đánh giá về năng lực cung cấp thiết bị trong nước, Hiệp hội năng lượng cho hay, đã có những đơn vị có đủ năng lực như Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi), sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng bao gồm nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME)... sản xuất thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, nếu cơ chế chọn nhà thầu như hiện nay còn kéo dài, sẽ là một rào cản lớn cho sự phát triển của các nhà thầu trong nước. Nền kinh tế sẽ lãng phí một nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp trong nước đã được đầu tư bài bản, có công nghệ hiện đại.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng tại Việt Nam.

"Luật Đấu thầu cần lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ, năng lực sản xuất, năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn hồ sơ "năng lực ảo" như trong thời gian qua. Và đây cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm giúp Việt Nam giảm nhập siêu trong những năm sắp tới", Hiệp hội năng lượng nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 12/9/2011, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị vấn đề này tới Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh tiến độ các dự án điện. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan đóng góp ý kiến về bản kiến nghị của Hiệp hội.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF