Sau những đợt bùng phát dịch Covid-19 liên tiếp, số lượng khách thuê trả mặt bằng nhà phố ngày càng nhiều, nhất là tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Làn sóng nhà phố trung tâm TP.HCM dán biển rao thuê ngày càng trở nên trầm trọng sau 4 đợt bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Chí Hùng.
Đường Nguyễn Thị Nghĩa - nằm sát vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng - là một trong những trục đường có giá cho thuê nhà phố hàng đầu khu vực trung tâm quận 1. Tuy nhiên, một căn nhà 3 tầng tại số 24 Nguyễn Thị Nghĩa có giá cho thuê khoảng hơn 220 triệu đồng/tháng đã bị bỏ trống trong gần một năm nay.
Trước đó, một thương hiệu đồ uống dành cho giới trẻ từng thuê điểm này làm cửa hàng khu trung tâm và buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 4 năm trước.
Qua bốn đợt bùng phát dịch Covid-19, nhà phố cho thuê kinh doanh là thị trường bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Trước yêu cầu đóng cửa nhà hàng, quán cà phê, cơ sở cắt tóc, làm đẹp và yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết… để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, nhiều cơ sở kinh doanh không thể trụ vững và buộc phải trả lại mặt bằng.
Giá thuê giảm mạnh
Tại khu vực trung tâm TP.HCM, trên một số tuyến đường ở quận 1 như đường Ngô Đức Kế, Nguyễn Trãi, , Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thánh Tôn… có nhiều mặt bằng được đăng tin và gắn biển cho thuê trong nhiều tháng qua.
Theo ghi nhận của Zing, dù một số khách thuê mới đã nhanh chóng thuê mặt bằng mới với giá thấp và điều kiện thuê "dễ thở" hơn, tác động của dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh vẫn buộc họ phải hủy hợp đồng trước hạn do không đủ chi phí hoạt động.
Báo cáo thị trường bất động sản tháng 4 của Batdongsan.com.vn cho thấy, ở TP.HCM, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố trong đầu quý II giảm 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng và kios cũng giảm khoảng 25% so với tháng 3.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê. Với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20-40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê.
Với các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, đây là lúc đánh giá lại kết quả kinh doanh các cửa hàng và có thể đổi các mặt bằng tốt hơn hoặc có điều khoản thuê tốt. Ảnh: Chí Hùng.
Dịch vụ du lịch, F&B và thời trang, nhất là các chuỗi, đang là những ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kì dịch bệnh. Để giảm tổn thất lâu dài, nhiều doanh nghiệp F&B và thời trang đã chuyển đổi kinh doanh sang hình thức trực tuyến khi thương mại điện tử tăng đột biến trong thời gian qua, và trả nhiều mặt bằng không kinh doanh hiệu quả để giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng cửa hàng loạt dưới tác động của hạn chế du lịch trong và ngoài nước.
Các ngành như y tế, ngân hàng và các chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong mùa dịch và có xu hướng mở rộng chuỗi/ chi nhánh, tuy nhiên, tốc độ mở rộng có xu hướng chậm lại. Họ cũng nhanh chóng thuê được các vị trí đẹp và phù hợp với các điều khoản thuê tốt.
Cú đánh mạnh vào nhà phố cho thuê
Trao đổi với Zing, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP.HCM, với chuyển biến thị trường nhà phố sau 3 đợt dịch thì đợt bùng dịch thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh mạnh và dự đoán sẽ tác động mạnh nhất đến tình hình kinh tế xã hội sẽ là đòn đánh gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố.
Chuyên gia của Savills đánh giá khu vực ngoài trung tâm bị tác động nhiều hơn khu vực trung tâm. Mật độ tập trung cao của các tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và các điểm tham quan du lịch chiếm lợi thế trong việc thu hút các khách thuê bán lẻ/ thương hiệu cả trong và ngoài nước mở cửa hàng.
Do đó, các mặt bằng tại khu vực trung tâm vẫn sẽ được săn đón hơn so với khu vực ngoài trung tâm. Nghiên cứu thị trường của Savills trong quý I cho thấy tỷ lệ trống tại khu vực trung chỉ ở mức 3%, còn khu vực ngoài trung tâm tỷ lệ trống có xu hướng tăng đến 7%.
Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. "Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong. Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị và bán hàng trực tuyến", bà Trang nói.
"Chủ nhà không còn ở thế thượng phong, khách thuê sẽ chiếm lợi thế"
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP.HCM
Trong dài hạn, bà Trang vẫn lạc quan cho rằng thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.
Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng cao 12% trong năm 2020 so với năm 2019 và kể cả quý I so với cùng kì năm trước.
Chia sẻ về giải pháp cho các đơn vị đang kinh doanh tại các mặt bằng vật lý tại TP.HCM để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, bà Trang cho rằng doanh nghiệp cần phải nắm rõ sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng và thay đổi theo xu hướng chung.
"Bên cạnh việc yêu cầu sự hỗ trợ từ chủ nhà thì các doanh nghiệp cũng cần phải tự chuyển mình để nắm giữ và mở rộng nguồn khách hàng. Tùy thuộc vào khả năng về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tạm dừng hoạt động để cắt lỗ hoặc giảm diện tích thuê, số lượng mặt bằng thuê để duy trì những kinh doanh hiệu quả", bà Trang nói.
"Đồng thời họ cần tăng cường quảng bá thương hiệu qua các kênh thương mại điện tử, tăng các dịch vụ giao hàng, chăm sóc và hậu mãi đến khách hàng", bà bình luận thêm.
DiaOcOnline.vn – Theo Zing
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: