Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 54 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công (trong đó có 23 dự án nhà ở đã hoàn thành) với tổng mức đầu tư khoảng 2.640 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 533.500m2 sàn, tương đương khoảng 11.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 44.000 người.
Một khu chung cư dành cho người thu nhập thấp. Ảnh: Phan Anh
|
Cùng với đó, các địa phương đã hoàn thành 62 dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng, quy mô 612.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho 67.600 người; đưa vào sử dụng 163 khối nhà cho sinh viên, đáp ứng khoảng 140.000 chỗ ở. Dự kiến, hết năm 2013, toàn bộ chương trình phát triển nhà ở cho sinh viên sẽ được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 sinh viên như mục tiêu đề ra. Đây là những dự án nhà ở xã hội mà thị trường đang rất thiếu và sẽ được tập trung phát triển trong những năm tới.
Bên cạnh nhóm dự án nhà ở xã hội, Chính phủ còn hỗ trợ cho hơn 500.000 hộ nghèo khu vực nông thôn có nhà ở và đang chuẩn bị triển khai tiếp giai đoạn 2 của chương trình. Trong khi đó, khoảng 81.000 người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở (tổng giá trị khoảng 700 tỷ đồng), hơn 2.000 cán bộ tiền khởi nghĩa được hỗ trợ khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, 4.200 cán bộ tiền khởi nghĩa được hỗ trợ bằng tiền, gần 11.000 cán bộ lão thành cách mạng được Chính phủ hỗ trợ nhà ở. Dự kiến, năm 2013, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ tiếp khoảng 70.000 hộ người có công với cách mạng xây dựng, sửa chữa nhà.
Riêng tại Hà Nội, số dự án nhà thu nhập thấp được triển khai là 14, với tổng diện tích đất là 12,9ha, trong đó 5 dự án đã hoàn thành, bàn giao, với tổng cộng gần 3.000 căn hộ, 1 dự án đã ký hợp đồng mua bán, số còn lại đang chuẩn bị đầu tư với tổng số hơn 11.600 căn hộ. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã đầu tư thí điểm bằng ngân sách 2 dự án nhà ở xã hội cho thuê, thuê - mua quy mô 815 căn được bố trí cho cán bộ, viên chức sử dụng. Tuy nhiên, có thực tế là nhu cầu nhà ở xã hội vẫn rất lớn và số dự án được triển khai thời gian qua chỉ như "muối bỏ biển".
Đặc biệt, từ năm 1991 trở về trước mới có khoảng 30% cán bộ, viên chức được bố trí nhà ở. Từ năm 1991, Nhà nước đưa tiền nhà vào lương để người làm công tự chủ trong tạo lập chỗ ở, nhưng cơ cấu tiền nhà trong lương chỉ chiếm 8-10%, trong khi giá ngày càng cao, nên đa số người hưởng lương từ ngân sách không có khả năng tạo lập chỗ ở. Hơn 800 căn nhà ở xã hội phải phân chia "dè sẻn" cho tất cả các quận, huyện, sở, ngành với tiêu chí chọn lựa, bốc thăm chặt chẽ, bởi số lượng có hạn mà nhu cầu thì nhiều. Theo thống kê của Hà Nội, nhu cầu nhà ở cho cán bộ, viên chức hưởng lương ngân sách trên địa bàn thành phố rất lớn, qua 99 đơn vị, có hơn 188.000 người đăng ký có nhu cầu, trong đó có 20 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn có hơn 151.000 người.
Một trong những giải pháp "phá băng" thị trường bất động sản hiện nay là chuyển các dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Vấn đề còn lại là nằm ở doanh nghiệp khi phải cơ cấu lại quy mô nhà, quy mô căn hộ và phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm. Hà Nội cũng đã đề xuất sử dụng 2.000 căn chung cư và 1.200 căn thấp tầng bán cho cán bộ, công chức, đồng thời chuyển 300 căn sang mô hình nhà xã hội cho thuê - thuê mua.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: