Top

Nhà ở xã hội: Nguy cơ bị bỏ hoang

Cập nhật 14/08/2010 09:40

Nhà xây đã sắp xong nhưng doanh nghiệp chưa thể tìm khách mua vì còn phải chờ… chính sách.


Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng sẽ được hoàn thành trong tháng 9/2010

Những căn chung cư thuộc một số dự án nhà xã hội đầu tiên chỉ còn vài tháng nữa là hoàn thành, song tiêu chí để lựa chọn người được mua, thuê vẫn chưa có hoặc chưa rõ ràng. Tình trạng này khiến một số doanh nghiệp lo lắng: quỹ nhà xã hội xây dựng xong có khi lại bị... bỏ hoang!

Dài cổ ngóng chính sách

Sau nhiều năm ấp ủ, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã chính thức được ban hành và thực sự thổi làn gió mới vào thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp vốn chỉ hăm hở với căn hộ, nhà ở cao cấp đã dần chuyển hướng sang lĩnh vực nhà ở cho người thu nhập thấp. Chỉ trong hơn 1 năm trở lại đây, cả nước đã có tới 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, với tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, tương đương 205.380 căn hộ. Trong đó, vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng... Ngoài ra, còn có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 5.455 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 53.790 tỷ đồng. Đây là những con số rất ấn tượng, cũng là minh chứng rõ nét nhất về sự “chuyển làn” ồ ạt của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Ở thời điểm này, tại Hà Nội, dự án thí điểm đầu tiên xây dựng quỹ nhà ở xã hội (khoảng 800 căn hộ) bằng vốn ngân sách tại lô CT 19A Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) dự kiến tháng 9 tới sẽ hoàn thành và bàn giao. Tương tự, một số dự án nhỏ lẻ khác do các doanh nghiệp đăng ký qua hơn 1 năm triển khai xây dựng cũng sẽ hoàn thành trong khoảng đầu quý IV/2010. Rất chú trọng phát triển quỹ nhà này, mới đây, thành phố còn yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp nhanh chóng khởi công dự án đã đăng ký. Cụ thể, đầu tháng 8/2010, thành phố sẽ khởi công 3 dự án, với hàng nghìn căn hộ cho người thu nhập thấp tại quận Hà Đông, Long Biên và huyện Gia Lâm.

Tình trạng ách tắc có thể do địa phương vẫn muốn can thiệp quá sâu vào việc bán căn hộ của các doanh nghiệp xây dựng
Thoạt nghe có vẻ rất phấn khởi, hồ hởi, thế nhưng, cũng giống như số phận một số khu nhà xây dựng thí điểm dành cho người thu nhập thấp được hoàn thành cách đây vài năm, quỹ nhà xã hội đang gấp rút hoàn thiện tại các địa phương đang đứng trước nguy cơ xây rồi để đó. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng đáng buồn này là do sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách quy định về bán, cho thuê, quản lý nhà ở xã hội của các địa phương. Một số doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội cho biết, chỉ còn vài tháng nữa là nhà xong khâu hoàn thiện nhưng tới giờ nhà đầu tư vẫn không dám nhận hồ sơ hay đơn đăng ký mua nhà bởi còn phải chờ quy chế! Kết quả, đến nay vẫn chưa có được một căn nhà xã hội nào được bán, dù doanh nghiệp rất muốn sớm được thu hồi vốn. Điển hình như dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khối nhà chung cư cao tầng CT1, CT2 thuộc dự án khu dân cư Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông do liên danh Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty cổ phần Xây dựng Vinaconex 21 làm chủ đầu tư. Mặc dù đã sắp hoàn thành nhưng cho đến nay, do thành phố chưa ban hành quy định về tiêu chí xem xét đối tượng mua nhà theo thẩm quyền nên hai khu cao tầng này vẫn chưa được bán.

Địa phương can thiệp quá sâu?

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tình trạng ách tắc này có thể là do địa phương vẫn muốn can thiệp quá sâu vào việc bán căn hộ của các doanh nghiệp xây dựng hoặc chính quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư. Trong quy định về việc chấm thang điểm xét duyệt đối tượng mua nhà, Bộ Xây dựng đã xác định các tiêu chí lựa chọn chung tới 90/100 điểm. 10 điểm còn lại sẽ do địa phương quy định (chẳng hạn, có địa phương sẽ ưu tiên xem xét thêm về đối tượng thương binh, liệt sỹ, những người tàn tật hoặc những gia đình gặp những rủi ro lớn). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chấm 10 điểm còn lại như thế nào. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân mà bản thân doanh nghiệp cũng bị ứ đọng vốn do không thể bán được sản phẩm tới người tiêu dùng. “Bộ Xây dựng đang xem xét về việc sẽ khống chế thời gian ban hành văn bản nói trên, khai thông tình trạng bế tắc hiện nay ở các dự án nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Nam cho biết.

Còn nhiều cửa ải

Tuy nhiên, từ phía các địa phương, cũng có ý kiến cho rằng, một số tiêu chí do Bộ Xây dựng đưa ra chưa rõ ràng, khiến địa phương gặp khó trong việc xây dựng chính sách.

Chẳng hạn như thế nào là “người có thu nhập thấp”, do không có con số thu nhập cụ thể do Bộ quy định nên một số nơi loay hoay, không biết xác định tiêu chí này ra sao. Được biết, tiêu chí này sẽ được quy định thống nhất trong Thông tư hướng dẫn về đối tượng mua nhà ở xã hội dự kiến trong tháng 8 mới được Bộ Xây dựng ban hành(!). Theo đó, những người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ được coi là đối tượng thu nhập thấp. Như vậy, một người đi làm có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng (chưa tính giảm trừ gia cảnh) sẽ được coi là người có thu nhập thấp trong tiêu chí xét đối tượng mua nhà ở xã hội.

205.380 căn hộ dành cho người thu nhập thấp đã được đăng ký triển khai
Không chỉ phát sinh những vướng mắc từ khâu lập chính sách, tình trạng thiếu vốn, thiếu quỹ đất và công tác quản lý sau đầu tư cũng là những trở ngại cho việc triển khai chính sách nhà ở xã hội. Hiện nay, luật đã quy định, dự án phát triển đô thị phải quy hoạch đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu không hoạch định thật cụ thể, các địa phương sẽ chỉ tập trung vào việc đấu giá đất để thu tiền, chứ không bố trí đất xây dựng nhà ở xã hội.

Tương tự, việc quản lý nhà ở xã hội sau khi bán xong cho các hộ dân cũng không hề đơn giản: công tác bảo trì, bảo dưỡng, rồi việc mua - bán, chuyển nhượng tiếp đó phải được quản lý chặt như thế nào để không phát sinh tiêu vực... Đây là những vấn đề khó cần nhanh chóng tháo gỡ nếu muốn chính sách nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân