Các doanh nghiệp bất động sản từ Bắc, chí Nam đang rục rịch chuyển đổi công năng của dự án nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của số đông khách hàng có nhu cầu thực.
Thị trường bất động sản gần đây nóng lên câu chuyện nhà ở xã hội với nhận định, đây sẽ là cửa thoát hiểm cho thị trường. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế còn là một câu chuyện dài...
Cửa đã mở
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp, trong đó có phương án cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi mục đích dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Cụ thể hóa của đề xuất này đã được Chính phủ thông qua trong Nghị quyết 02.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là liều thuốc hữu hiệu cho doanh nghiệp giải bài toán hàng tồn kho và kích cầu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thực tế tại TP. HCM, qua trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn còn băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, doanh nghiệp chuyên đầu tư các dự án dành cho người có thu nhập trung bình thấp ở TP. HCM cho biết, không phải bây giờ, mà câu chuyện về nhà ở xã hội đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu.
Khó khăn nhất hiện nay của nhà xã hội là bị hạn chế đầu ra, chứ không phải là thiếu chính sách hỗ trợ
|
“Đề xuất lần này của Bộ Xây dựng thực chất là cụ thể hóa một số chính sách đã có trước đây, nhưng chưa được áp dụng trong thực tế. Các chính sách ưu đãi, miễn giảm như không phải nộp tiền sử dụng đất, ưu tiên vay vốn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… là những yếu tố rất cần thiết với các doanh nghiệp, nhưng yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp quyết định tham gia đầu tư các dự án nhà ở xã hội là nên cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được mở rộng đối tượng mua nhà, thay vì giới hạn đối tượng như hiện nay”, ông Đực nói và cho rằng, thực tế, điều băn khoăn của các doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng nhà ở xã hội không phải là vấn đề ưu đãi, mà là đầu ra. Việc xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội thực tế gặp nhiều khó khăn, có khi người có đủ điều kiện để mua lại không có nhu cầu và ngược lại.
Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội được TP. HCM quan tâm từ nhiều năm qua, nhưng đến nay mới chỉ có 2 dự án với khoảng 200 căn hộ được xây dựng hoàn chỉnh. Đó là 2 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là Chung cư Đông Hưng Thuận (quận 12) với 84 căn đã bàn giao cuối năm 2011 và Chung cư Tô Hiến Thành (quận 10) với quy mô 114 căn đã hoàn tất, nhưng đến nay vẫn chưa có người ở. Một dự án khác ở quận Gò Vấp là Chung cư An Hội đã được xây dựng phần móng, nhưng chưa rõ nguyên nhân gì mà hiện tại Dự án đã ngưng xây dựng.
Khó có chuyện chuyển hướng đồng loạt
Mới đây, Bộ Xây dựng và UBND TP. HCM đã ký kết "Chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030". Theo đó, TP. HCM đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2012 - 2015 là 2,7 triệu m2. Nếu tính trung bình mỗi năm, Thành phố sẽ xây dựng 675.000 m2 sàn nhà ở. Đối tượng ưu tiên trong chương trình này là học sinh - sinh viên; nhà ở để bán, cho thuê hoặc thuê mua đối với người có thu nhập thấp tại đô thị; nhà ở cho công nhân.
Để thực hiện chương trình này, Bộ Xây dựng và TP. HCM sẽ phối hợp 7 nội dung hành động. Cụ thể, Thành phố sẽ đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, rà soát, bố trí, chuyển mục đích các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ để phát triển nhà ở xã hội và công bố công khai danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư; tiếp tục rà soát quỹ đất hơn 20% đối với các dự án thương mại trên địa bàn để giao cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, tại TP. HCM cũng bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Điển hình là Công ty TNHH Địa ốc Lê Thành chuyển một dự án nhà ở thương mại ở phường An Lạc, quận Bình Tân sang làm nhà ở xã hội với quy mô 1.000 căn hộ. Ngoài dự án này, trước đó Lê Thành cũng đã lập thủ tục xin đầu tư một dự án nhà ở xã hội cũng ở quận Bình Tân với quy mô 2.000 căn hộ. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, cả 2 dự án này dù đã được xin đầu tư khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Một số doanh nghiệp địa ốc khác cũng cho rằng, có quan tâm đến vấn đề đầu tư nhà ở xã hội, nhưng vẫn còn đang thăm dò các chính sách cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Nghĩa, dù chính sách có thoáng đến đâu cũng sẽ không có chuyện doanh nghiệp ồ ạt chuyển hướng sang xây dựng nhà ở xã hội, mà chỉ có các doanh nghiệp lâu nay đầu tư các dự án cho người thu nhập trung bình thấp và thực sự có tâm huyết mới đầu tư vào phân khúc này. Bởi lẽ, đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ không có nhiều lợi nhuận, đặc biệt là các doanh nghiệp đại chúng, bị áp lực lợi nhuận bởi các cổ đông nên càng ít có khả năng đầu tư vào phân khúc này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đực, nếu có nhiều chính sách tốt trong việc đầu tư nhà ở xã hội, có thể sắp tới sẽ có một số doanh nghiệp chuyển hướng sang phân khúc này. “Tuy nhiên, theo tôi, việc tham gia trong lĩnh vực này có thể chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều doanh nghiệp đã có quỹ đất sẵn, nhưng không bán được hàng nên chuyển hướng để nhằm mục đích tạo thanh khoản cho dự án, tìm cách thoát khỏi thị trường. Còn với các doanh nghiệp chưa có quỹ đất sẵn thì rất khó để họ tham gia”, ông Đực nhận định và cho rằng, bản thân Đất Lành cũng rất quan tâm đến đầu tư dự án nhà ở xã hội, sẵn sàng tìm đất để đầu tư, nhưng với điều kiện có chính sách cho doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được bán hàng tự do.
Ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TDH): Còn nhiều khoảng cách lớn
Theo tôi, cho phép doanh nghiệp chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là rất tốt trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm được lối ra. Tuy nhiên, khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn rất nhiều. Chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại TP. HCM thực tế đã có từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, mặc dù nói đã có chính sách, nhưng vẫn chưa có văn bản cụ thể nào được ban hành, nên khó thực hiện.
Hiện TDH chưa tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội nào. Tuy nhiên, theo tôi, để đầu tư vào phân khúc nào đi nữa, nhất thiết cần phải có nghiên cứu kỹ càng, bởi nếu thiếu nghiên cứu sẽ khó tránh khỏi tình trạng bội cung như ở một số phân khúc hiện nay.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành: Cần thành lập trung tâm dự báo bất động sản
Trước những khó khăn của thị trường thời gian qua, sẽ có không ít doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư sang dự án nhà giá thấp và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược rõ ràng, cũng dễ dẫn đến thất bại.
Bất cập lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là không có một nghiên cứu rõ ràng về các phân khúc thị trường, ở đâu cần bao nhiêu nhà trung bình? Bao nhiêu nhà ở xã hội? Nếu không khéo, nay mai chúng ta sẽ lại “chết” ở 2 phân khúc này. Về nhà ở xã hội, không phải ai muốn mua cũng được, có khi người có nhu cầu lại không đủ điều kiện để mua; ngược lại, người có đủ điều kiện lại không có nhu cầu mua. Theo tôi, để giúp thị trường phát triển tốt, Nhà nước nên thành lập một trung tâm nghiên cứu dự báo quốc gia về lĩnh vực bất động sản. Từ những dự báo này, Nhà nước có thể thành lập công ty mua bán bất động sản quốc gia giống như một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc nhằm điều tiết thị trường, như vậy, sẽ không làm cho thị trường bị “co giật” liên tục như những năm qua.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTCK
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: