Top

Vượt Tết “đạm bạc” cùng dân Bất động sản

Cập nhật 28/01/2013 13:21

Đầu tháng 1/2013 khi các ngân hàng công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012 cùng những thông báo, tâm thư chia sẻ của lãnh đạo về việc cắt thưởng Tết thì một góc khác, những nhân viên bất động sản đã canh cánh nỗi lo: Lương tháng này có được nhận hay không?

Chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa là mọi người sum vầy, chung vui cùng đón Tết Nguyên Đán ấm áp bên gia đình. Đáng lẽ và đương nhiên phải thế nếu như không có những biến cố, khủng hoảng của nền kinh tế, đặc biệt là 2 ngành: Bất động sản và chứng khoán đã ảnh hưởng không nhỏ đến không khí của một cái Tết đoàn viên.

Một trong những doanh nghiệp đầu tiên công khai thưởng Tết năm nay là Vinaconex 25 với mức thưởng 200 triệu đồng cho ban lãnh đạo và một tháng lương cho nhân viên do năm 2012, công ty hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế và vượt 4% kế hoạch doanh thu. Bên cạnh đó, Công ty địa ốc Kim Oanh dự định trích từ 5 – 7 tỷ thưởng cho nhân viên để giữ lửa cho đội ngũ quản lý cùng nhân viên bán hàng. Bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng giám đốc Công ty cho biết, tính đến Quý III/2012, doanh nghiệp đã bán 8 dự án với gần 3,000 sản phẩm đất nền với giá vài trăm triệu đồng/nền. Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cũng cho biết mức thưởng Tết năm nay của công ty vẫn giữ nguyên như năm trước. Đây có lẽ là vài công ty bất động sản hiếm hoi công bố thưởng với mức thuộc hàng “đại gia” trong ngành trong tình hình hiện nay.


Lương & thưởng: Tướng, tốt đều lao đao

Theo thống kê của sở XD Tp.HCM, tính đến cuối năm 2012, có khoảng 40% sàn giao dịch (SGD) bất động sản tạm dừng hoạt động và con số này tại Hà Nội là 50%. Nhiều SGD đã cho nhân viên nghỉ Tết từ hơn nữa tháng nay và dự kiến sẽ “được” ăn Tết kéo dài đến hết tháng giêng âm lịch. Với tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, các công ty, đặc biệt là bất đông sản khá e dè khi nói đến vấn đề thưởng mặc dù các cấp lãnh đạo cũng muốn trấn an và động viên tinh thần nhân viên nhưng “lực bất tòng tâm”. Anh Hưng – Giám đốc một SGD bất động sản ở Mỹ Đình đã đóng cửa 3 phòng giao dịch, bán cả nhà và xe hơi để trả nợ cho ngân hàng và lương cho nhân viên nhưng vẫn còn thiếu.

Theo ông Đinh Văn Khôi - Phó giám đốc Công ty Cổ phần lắp máy điện nước và xây dựng 4 (Cowaelmic 4) chia sẻ, hiện nay công ty chỉ mới chi trả được 80% lương nhân viên và đang cố gắng vay tiền từ công ty mẹ hoặc ngân hàng để giải quyết hết số lương tồn đọng. Chắc chắn năm nay công ty sẽ không thể thưởng Tết cho nhân viên. Không riêng gì doanh nghiệp của Ông Khôi mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác như ngồi trên đống lửa, không còn tâm trí để đón Tết chứ đừng nói đến chuyện giàu hay nghèo. Là 1 trong 39 nhà thầu phụ đang chôn chân “mắc cạn” cùng dự án Marriott Hà Nội, Giám đốc Công ty CP phát triển kỹ thuật NDT, ông Phạm Mạnh Cường thẳng thắn bày tỏ chỉ mong có đủ tiền để thanh toán tiền lương cho công nhân chứ không nghĩ đến việc thưởng Tết.

Anh Thanh – một nhân viên bất động sản tại quận 7 chia sẻ: “Tôi chỉ mới làm việc được hơn 6 tháng ở đây thôi, nhưng cũng mới vừa nhận được thông báo từ BGĐ là không có thưởng Tết và nghỉ Tết không lương vô thời hạn do chưa biết tình hình sang năm như thế nào. Năm nay gia đình tôi ăn tết nghèo do các anh chị em trong gia đình đều làm trong môi giới bất động sản và chứng khoán”.

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, với triển vọng kinh tế không mấy khả quan cho đến năm 2013 sẽ tiếp tục ảnh hưởng và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ tìm nơi trú ẩn an toàn bằng cách đẩy mạnh tiết kiệm và chờ đợi thời cơ hơn là đầu tư. Tiền trong dân vẫn còn, nhưng không đổ vào bất động sản.

Chưa biết kịch bản nào đang chờ trong năm 2013 khi Nghị quyết 02/NQ-CP của chính phủ được ban hành để giải cứu bất động sản được đánh giá là “liều thuốc đông y” cho thị trường và vẫn không thể cứu bất động sản ngày một ngày hai. Xem ra lại thêm một cái tết nghèo với nhiều người trong giới đầu tư BĐS.

DiaOcOnline.vn tổng hợp