Top

Nhà ở thành trường học, bệnh viện... vô tư!

Cập nhật 14/09/2009 08:25

Nhà riêng, biệt thự biến thành trường học, phòng khám, tập trung đông người sẽ khiến giao thông đô thị thêm rối rắm vào giờ cao điểm. Ảnh: HTD

Bất kể đô thị cũ hay mới, cứ căn nhà nào ở được, chỉ cần “mông má” lại chút ít là thành cơ sở y tế, trường quốc tế, khách sạn... làm vỡ quy hoạch, gây kẹt xe.

Thành phố đã có chủ trương hạn chế việc xây dựng mới một số công trình tập trung lượng người lớn, thường xuyên, dễ gây ùn tắc giao thông như trường học, cơ sở y tế lưu bệnh... Thế nhưng không phải không có cách “thoát” quy định này.

Không còn là nhà để ở

Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết: Có tình trạng công trình được cung cấp thông tin quy hoạch-kiến trúc và cấp phép xây dựng không có chức năng làm trường học, cơ sở y tế nhưng khi xây xong thì thoắt biến thành trường tư thục, bệnh viện quốc tế. Ngoài ra, công trình khi xin phép xây dựng là nhà ở (dạng nhà phố liên kế) nhưng được đưa vào khai thác thành nhà hàng, văn phòng cho thuê...

Dạo một vòng quanh các đường phố, ta dễ dàng nhận ra tình trạng trên. Hai công trình khá đẹp trên đường Lê Quý Đôn; căn nhà phố có sân vườn trên con đường yên tĩnh Phan Kế Bính (quận 1) và trong một con hẻm trên đường Võ Thị Sáu (quận 3)... thành địa điểm lý tưởng của trường mầm non quốc tế. Không ít biệt thự trên đường Tú Xương hoặc Lê Quý Đôn được “chế biến” thành nhà hàng như S, N... Những căn nhà có lợi thế mặt tiền, nếu có diện tích lớn hoặc liên kết được với nhà lân cận thì dễ dàng được chấm làm trường ngoại ngữ hoặc các trường dân lập, trung cấp... Trên đường Lê Quang Định (Gò Vấp), Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình)... có khá nhiều căn nhà phố để làm trường học. Nhìn bề ngoài thì khá hoành tráng nhưng thật ra kết cấu vẫn là dạng nhà ở được “mông má” lại. Trong cuộc họp với Viện Nghiên cứu phát triển gần đây, đại diện Ban quản lý khu Nam cho biết: Ở các khu đô thị, khu dân cư mới, mặc dù đã có đầy đủ quy hoạch về chức năng công trình nhưng vẫn “bỗng dưng xuất hiện” khách sạn 2-3 sao hoặc trường học, được cấp phép hẳn hoi.

Ký rẹt rẹt... gây kẹt xe

Thật ra, công trình bị sử dụng sai công năng không phải là vi phạm xây dựng. Các cơ sở giáo dục, y tế... mọc lên từ nhà ở như trên cũng không hề là cơ sở “chui” bởi được cấp giấy phép kinh doanh hẳn hoi. “Thoạt nhìn thì chúng ta thấy bình thường, thậm chí tốt vì đó là trường học, bệnh viện và nghĩ rằng chỉ những loại hình nhạy cảm như karaoke thì mới cần hạn chế. Tuy nhiên, nó lại dẫn đến việc phải giải quyết bài toán giao thông, kẹt xe do công trình tập trung đông người, rồi còn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, môi trường... Tầm 16 giờ 30 trở đi, một số nơi kẹt xe nghiêm trọng vì nguyên nhân này”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa lưu ý. Ông Hòa minh họa cụ thể bằng những tấm hình các dãy xe hơi nối nhau chờ học sinh từ một trường mầm non tư thục quốc tế tại quận 3, vốn được xây dựng làm nhà ở.

Vì vậy, tháng 5-2009, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã có văn bản báo cáo UBND TP về tình trạng trên. Viện kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan xác định cơ chế phối hợp trong cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng và cấp giấy phép kinh doanh liên quan. Viện đưa ra giải pháp: Khi xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa điểm xây dựng công trình, cơ quan cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của chức năng công trình đăng ký kinh doanh với chức năng sử dụng theo quy hoạch hoặc ghi trong giấy phép xây dựng. Nếu chức năng công trình và mục đích đăng ký khai thác kinh doanh không phù hợp, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch-kiến trúc và cơ quan cấp phép xây dựng để xem xét điều chỉnh chức năng công trình, điều chỉnh thiết kế.

Chỉ vì mỗi sở quản một khâu

Tuy nhiên, những đề xuất của Viện bị xem là vướng luật. Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích rằng theo Luật Doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp không yêu cầu phải nộp giấy tờ có liên quan đến địa điểm kinh doanh. Do đó, cơ quan đăng ký kinh doanh không có thẩm quyền kiểm tra sự phù hợp chức năng công trình đăng ký kinh doanh với chức năng sử dụng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc xác định công trình đưa vào sử dụng có phù hợp công năng hay không là thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành xây dựng. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn theo ngành như các cơ sở y tế do Sở Y tế cấp phép, trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Riêng mầm non, tiểu học tư thục thuộc thẩm quyền của chủ tịch quận, huyện...

Mặt khác, theo quy định về xây dựng, nhà nước chỉ quản lý từ khâu cấp phép xây dựng cho đến khi hoàn tất công trình. Trong quá trình thi công, công trình muốn thay đổi công năng, chẳng hạn từ căn hộ sang văn phòng cho thuê thì phải ngừng thi công, điều chỉnh thiết kế. Cơ quan thanh tra xây dựng kiểm tra việc tuân thủ giấy phép, nếu sai phép thì sẽ xử phạt. Tuy nhiên, đến khi công trình hoàn tất thì không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý việc sử dụng công trình ra sao.

Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng đánh giá: Việc phối hợp quản lý tình hình khai thác sử dụng chức năng công trình chưa hiệu quả. Các cơ quan cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động độc lập, việc ai nấy làm.

Được biết, UBND TP đã có văn bản chấp thuận giao cho Viện Nghiên cứu phát triển TP tìm giải pháp, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện đề xuất cơ chế phối hợp để giải quyết tình trạng trên. Theo Viện Nghiên cứu phát triển, các sở, ngành, quận, huyện đều bày tỏ ý kiến ủng hộ chủ trương này. Viện đang lập kế hoạch khảo sát thực tế, sau đó sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học xây dựng TP:

Sai công năng là không được

Công trình phải sử dụng đúng công năng của nó, đó là nguyên tắc trong xây dựng. Mỗi công trình được sử dụng với mục đích khác nhau nên thiết kế của từng thứ cũng khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau. Trong những khu vực cũ, do cần thiết quá thì việc biến nhà ở thành trường học, bệnh xá... là một việc bất đắc dĩ do không thể xây chen mới. Ngoài việc chẳng đặng đừng đó, ta không nên khuyến khích việc sử dụng sai công năng, đặc biệt ở những khu đô thị mới.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng:

Không phải cứ nhà mình thì tùy tiện sử dụng

Ở nước ngoài rất ít có chuyện này, làm gì họ cũng theo quy hoạch. Nhà ở thuộc quyền sở hữu tư nhân nhưng không phải vì vậy mà anh tùy tiện sử dụng.

Khi xin phép xây dựng với mục đích công trình là nhà ở, nhà nước công nhận và cho phép điều đó. Chính vì thế, khi chuyển nó thành mục đích khác thì cũng phải xin phép. Đó không phải là một thủ tục con hay làm khó mà là cơ quan quản lý phải xem xét việc chuyển đổi công năng công trình có phù hợp quy hoạch hay không. Chẳng hạn nhà ở tự nhiên biến thành xưởng dệt, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, lỡ có hỏa hoạn xảy ra thì đâu phải mình chủ nhà chịu. Tôi rất đồng ý với đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển về công tác hậu kiểm giấy phép xây dựng để quản lý chức năng công trình.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP