Top

Nhà nước có trách nhiệm giúp người thu nhập thấp có nhà ở

Cập nhật 28/03/2012 10:55

“Lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược quốc gia về nhà ở với tầm nhìn dài hạn, đột phá. Phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở...”, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh Việt Hưng)

Phóng viên báo Dân trí vừa có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về nhu cầu nhà ở cấp thiết hiện nay cũng như những bất cập nảy sinh quanh vấn đề này, đặc biệt tại những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

* Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã trải qua một thời gian dài để nhà ở phát triển tự phát, dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập như: giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân, cơ cấu về nhà ở bất hợp lý, điển hình là chung cư đạt tỷ lệ thấp trong khi những nhà đơn lẻ thì ngược lại… Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?

Không phải tại tất cả các đô thị, giá nhà ở đều cao mà giá nhà cao chủ yếu tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh những hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước còn có nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý Nhà nước về phát triển đô thị và nhà ở còn hạn chế.

Cơ cấu nhà ở đúng là đang rất bất hợp lý. Chủ đầu tư quá quan tâm đến phân khúc nhà ở, căn hộ cao cấp giá cao (phân khúc thị trường này đang thiếu người mua). Trong khi đó, nhà ở, căn hộ giá trung bình, nhà nhỏ giá rẻ phù hợp với số đông người dân có nhu cầu lại rất thiếu. Đồng thời, thị trường cũng còn thiếu các loại nhà ở cho thuê, thuê mua. Nhưng tất cả những điều đó sẽ được điều chỉnh dần khi Chiến lược phát triển nhà ở được phát huy.

* Thực tế, từ trước đến giờ, đã có rất nhiều văn bản, chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội song dường như không mấy hiệu quả. Vậy Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 và tầm nhìn 2030 mới được thông qua có gì đột phá để có thể giải quyết có hiệu quả các chương trình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội?

Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược quốc gia về nhà ở với tầm nhìn dài hạn, có những quan điểm chỉ đạo và cách tiếp cận mới mang tính đột phá, đó là “giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”.

Theo đó, việc phát triển nhà ở không chỉ theo cơ chế thị trường mà Nhà nước có trách nhiệm can thiệp hoặc hỗ trợ để người dân có nhà ở, đặc biệt là những đối tượng thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà ở theo cơ chế thị trường.

Trong chiến lược cũng xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương, yêu cầu phải đưa chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội là chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, trung hạn và dài hạn của từng địa phương và của cả nước để thực hiện bắt buộc thay vì tự nguyện như hiện nay.

Tới đây cần phải xem xét điều chỉnh trong luật nhà ở sửa đổi về giới hạn số tầng xây nhà ở xã hội (ảnh minh họa)

* Là người đứng đầu ngành xây dựng, Bộ trưởng nghĩ gì với con số triển khai dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ khiêm tốn đạt ở mức… 1%?

Con số 1% ở đây không phải là theo kế hoạch mà là kết quả thực hiện theo số lượng đăng ký tự nguyện của các doanh nghiệp bất động sản. Thực tế, đầu tư phát triển nhà ở nói chung vốn đã khó thì làm nhà ở xã hội tại khu vực đô thị còn khó khăn hơn.

Bởi đây là làm nhà cho người thu nhập thấp nên yêu cầu phải rẻ nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, cả về mặt mỹ quan, kiến trúc và phù hợp với quy hoạch, trong khi đó hỗ trợ từ phía Nhà nước chỉ có mức độ, nhất là vốn đầu tư.

Vì vậy, để làm nhà xã hội tại khu vực đô thị cần phải có quyết tâm chính trị cao của Bộ Xây dựng, các Bộ ngành liên quan và các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… Đồng thời, phải cụ thể hóa bằng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong thi công xây lắp, sử dụng vật liệu xây dựng hợp lý,….

Khẳng định vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội cũng như cần tạo môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có các biện pháp để tăng khả năng chi trả của người dân bằng các hình thức thuê nhà ở, thuê mua nhà ở và mua nhà trả góp. Có như vậy thì vấn đề nhà ở cho người nghèo tại đô thị mới từng bước được giải quyết.

* Cũng liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, mới đây, có ý kiến cho rằng, đã có một số doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội vi phạm về số tầng cao cho phép, vượt quá 6 tầng theo quy định của Luật nhà ở. Theo Bộ trưởng, liệu đây có phải là cách các doanh nghiệp muốn “lách” luật để làm tăng lợi nhuận?

Tôi cho rằng cần được xem xét điều chỉnh quy định này trong Luật nhà ở. Bởi thực tế cho thấy việc xây nhà cao tầng sẽ tiết kiệm được đất. Bên cạnh đó, về mặt chuyên môn cần thấy rằng không phải công trình càng cao tầng thì chi phí càng rẻ, thậm chí là ngược lại bởi các yếu tố về mặt kỹ thuật như xử lý nền móng, kết cấu phần thân… đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu chịu tải trọng của nhiều tầng.

Vì vậy, quy định áp đặt cứng cho mọi vùng, miền có điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau sẽ không phù hợp và gây khó trong quá trình đầu tư phát triển nhà ở.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí