Top

Giá bất động sản “chai lỳ” với “liều thuốc” hạ lãi suất

Cập nhật 28/03/2012 08:15

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất huy động giảm 1%, không ít doanh nghiệp BĐS khấp khởi mừng thầm, hy vọng động thái này sẽ "cứu" thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và giới đầu tư đất đai, việc hạ lãi suất chỉ là liệu pháp tinh thần...

Giới đầu cơ không mặn mà


Ông Nguyễn Hữu Cường, chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đang có dự án dang dở đều mong mỏi được vay vốn nhưng số lượng DN tiếp cận nguồn này mấy tháng gần đây không nhiều.

Với việc giảm trần lãi suất huy động 1% mới đây cũng không thể tác động ngay đến hoạt động của các DN BĐS. Trong khi lộ trình tạo dựng BĐS là dài hạn nhưng lại cho vay ngắn hạn thì DN luôn phải chịu áp lực lo xoay tiền chỗ nọ đập chỗ kia để đối phó với ngân hàng. Việc phục hồi sau lãi suất là khó có thể xảy ra.

Các sàn bất động sản đang ở giai đoạn vắng khách. Ảnh minh họa.

Đón nhận thông tin hạ lãi suất, anh Nguyễn Văn Hải, một "cò" BĐS có tiếng tại Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra khá thờ ơ: "Việc hạ lãi suất hầu như không tác động nhiều. Khách hàng cho rằng, thời điểm này, BĐS đã chạm đáy, mua là "đẹp" nhất" (?!).

Theo lời anh Hải, do sức ép trả nợ ngân hàng nên nhiều gia đình tại Yên Nghĩa, La Phù... phải chấp nhận bán "lúa non". Giá đất tại đây cũng giảm không phanh. Giá đất nền tại Yên Nghĩa, cách đường Lê Văn Lương kéo dài khoảng 100 - 200m dao động từ 28 - 30 triệu đồng /m2 tùy vị trí.

Cá biệt, có nhiều hộ vỡ nợ chấp nhận bán "phá giá" với mức 24 - 26 triệu đồng /m2. Khách hàng chỉ cần đặt cọc trước vài chục triệu là có thể "ôm" được đất, khi nào làm xong sổ đỏ sẽ thanh toán nốt. "Mới đây tôi cũng "môi giới" thành công cho một khách hàng, mua miếng đất diện tích 36 m2, đã có nhà trần bằng với giá 24 triệu đồng /m2. Sau "vụ" này, tôi cũng được cắt vài triệu tiền hoa hồng", anh Hải nói.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, ông Nguyễn Bách Khoa, giám đốc Sàn BĐS Đô thị Hà Nội cũng cho rằng, thị trường thời điểm này đã có nhiều khách quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất huy động chỉ mang liệu pháp tâm lý chứ hầu như không tác động nhiều. Thực tế, biên độ giảm 1% thì không có tác động nhiều với thị trường BĐS hiện nay. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn cũng không phải là điều dễ dàng. Trong tình trạng thị trường "lạnh ngắt" như hiện tại chẳng dại gì giới đầu cơ tiếp tục tung tiền vào.

"Mua nhà thời điểm này là hợp lý"?


Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Vinaland nhận định, việc hạ lãi suất 1% chỉ như "giọt nước nhỏ giữa sa mạc", mang liệu pháp tinh thần là chính chứ không giúp vực dậy thị trường.

Thực tế, các doanh nghiệp BĐS vẫn khó khăn chồng chất khó khăn. Bài toán đối với thị trường BĐS không chỉ nằm ở vấn đề lãi suất mà bản thân thị trường tiềm ẩn những rủi ro vô cùng lớn. Ngân hàng sợ rủi ro nên họ không dám cho vay, doanh nghiệp cũng chẳng dám liều mà "ôm" để rồi sợ lại bị "ăn quả đắng" như trước đây.

"Một số người nhận định, thị trường BĐS thời điểm này đã "ấm" trở lại, tuy nhiên thực tế giao dịch vẫn chưa có biến động nhiều. BĐS được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng cung tiền, "thủ phạm" gây ra lạm phát nên việc hạ lãi suất lần này có lẽ nhằm vào nhóm sản xuất. Khó có thể nới van tín dụng ồ ạt cho nhóm phi sản xuất, trong đó có BĐS vào thời điểm này. Có chăng, chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt, hướng dòng tiền vào đúng phân khúc, đúng nơi thị trường đang cần", ông Trần Minh Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, giám đốc Sàn Giao dịch Công ty TNHH Xây dựng Đất Ngọc cũng cho rằng, thực tế việc hạ lãi suất lần này cũng không ảnh hưởng nhiều đến "bước đi" của thị trường. Thị trường chỉ "ấm" ở những phân khúc nhà giá rẻ, BĐS nghỉ dưỡng, còn những phân khúc khác vẫn ở trạng thái... "ngậm sâm".

"Thị trường BĐS hiện tại theo nhận định của tôi, những tháng tới, dự báo giá của nhiều phân khúc sẽ tiếp tục duy trì ở mức đi ngang mà ít có biến động tăng hay giảm giá nhiều", ông Toàn nói.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, việc hạ lãi suất lần này chỉ mang mục đích động viên. Thị trường BĐS sẽ không ảnh hưởng nhiều vì vốn chưa được nhận từ luồng tín dụng vào. Nếu luồng tín dụng tăng thì thị trường mới có khả năng "hấp thụ" còn giảm thì thị trường vẫn không có khả năng nhận trong hoàn cảnh hiện nay.

"Do đó, trước mắt, thị trường vẫn nên tính tới chuyện tìm vốn từ tiền tiết kiệm trong dân, tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ... Tôi vẫn xin nói lại, nếu có nhu cầu thực, người dân mua nhà thời điểm này là hợp lý nhất", GS Võ khẳng định.

Tín hiệu tích cực

"Do tình trạng vỡ nợ tín dụng đen diễn ra ngày càng phức tạp khiến sức ép bán đẩy, bán tháo BĐS càng trở lên lớn hơn. Một tín hiệu tích cực cho thấy, theo thống kê của Sàn BĐS Đô thị Hà Nội, từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 10 giao dịch thành công. Trung bình mỗi ngày có từ 5 - 6 khách hàng đến văn phòng tìm hiểu và đặt vấn đề mua. Phân khúc chung cư vẫn giành thế thượng phong.", Ông Nguyễn Bách Khoa, giám đốc Sàn BĐS Đô thị Hà Nội nói.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin