Top

Nhà nghiêng không sửa sẽ bị cưỡng chế

Cập nhật 26/04/2011 10:10

Ngày 26.4, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn cặn kẽ thủ tục pháp lý, cách thực hiện… nhằm giải quyết nhà nghiêng.

“Khu dân cư Bình Phú vốn là ao ruộng được san lấp, thực hiện dự án dân cư. Do nền đất yếu, nhiều chủ đầu tư lại xây phần móng không đảm bảo kỹ thuật nên qua thời gian sử dụng đã phát sinh hiện tượng nghiêng lún”. Ngày 25.4, ông Trần Lê Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 6, lý giải nguyên nhân khiến một số căn nhà trong phường bị nghiêng lún.

Không dễ vận động người dân

Theo ông Sơn, ngay trong ngày 25.4, phường đã yêu cầu các bộ phận liên quan rà soát tất cả căn nhà đang bị nghiêng để báo cáo Phòng Quản lý đô thị và UBND quận 6. Cạnh đó, phường sẽ vận động các chủ nhà nghiêng có biện pháp khắc phục sự cố. “Hiện tình trạng nhà nghiêng trên địa bàn chưa quá nghiêm trọng. Vì vậy, nếu người dân xử lý ngay thời điểm này thì công việc sẽ đơn giản, đồng thời lại ít tốn kém” - ông Sơn khuyến cáo.

Với cách làm của UBND phường 11, quận 6, có vẻ việc xử lý nhà nghiêng khá đơn giản. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, dẫn chứng: Theo quy định, trách nhiệm xử lý nhà nghiêng thuộc về chủ nhà. Nhưng để vận động, thuyết phục họ thực hiện lại không hề đơn giản.

Căn nhà ở thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình nghiêng tới 3.1 m (trái) đã được “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh dựng đứng trở lại (phải). Ảnh: Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam

Theo ông Ngọc, hiện tượng nhà nghiêng trên địa bàn phường xảy ra từ nhiều năm qua. Phường đã lập danh sách theo dõi và thường xuyên vận động chủ các nhà nghiêng có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, do chi phí chỉnh nghiêng khá tốn kém nên việc vận động không đạt hiệu quả cao. Điển hình như năm 2010, phường vận động được sáu chủ nhà xử lý nghiêng. Nhưng kết quả đó có được là do… may mắn vì chủ nhà cũng có kế hoạch sửa chữa; đồng thời nhà họ nằm khá biệt lập, việc sửa chữa không cần ý kiến của các nhà khác.

Nếu chủ nhà không hợp tác, chính quyền địa phương rất khó đưa ra quyết định cưỡng chế xử lý nhà nghiêng do không có kết luận của đơn vị thẩm định. Đơn cử các căn nhà 169 và 190 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh được đánh giá nghiêng khá nghiêm trọng. Nhưng điều đó chỉ được cảm nhận bằng mắt thường, không thể xem là căn cứ để ra quyết định tháo dỡ công trình. Còn nếu phải thực hiện kiểm định thì lấy kinh phí đâu để chi trả, trong khi chủ nhà nhất quyết “ngó lơ”? Giả sử kết luận kiểm định khẳng định căn nhà vẫn an toàn thì gần như không thể buộc người dân chi trả.

Ông Ngọc khẳng định: “Để chỉnh nhà nghiêng, quan trọng nhất là sự hợp tác của chủ nhà. Căn nhà là tài sản lớn của người dân nên dù nghiêng vẫn cần có quy trình xử lý thống nhất từ hướng dẫn chung của cơ quan chức năng. Có quy trình này, các địa phương sẽ thực hiện dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế sự khiếu kiện của người dân. Vừa qua, Sở Xây dựng đã đi kiểm tra thực tế và chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Sở làm cơ sở thực hiện”.

Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn cụ thể

“Không có mẫu số chung trong việc khắc phục sự cố nhà nghiêng, bởi nguyên nhân gây hư hỏng, tính chất, mức độ giữa các công trình là không giống nhau. Bởi thế sẽ có căn nhà khắc phục xong trong chục ngày, có căn cả mấy tháng; có căn sẽ tồn tại được, có căn có thể phải phá dỡ bớt một phần…” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho biết.

Cũng theo ông Hiệp, tùy tình trạng mỗi căn mà thực hiện chống nghiêng hay tháo dỡ xây dựng mới, không nhất thiết phải giữ công trình bằng mọi giá. Để tạo thuận lợi cho người dân, chủ nhà được chủ động liên hệ với các đơn vị có chức năng khắc phục sự cố nhà nghiêng để lên phương án. Phương án này phải trình cơ quan có thẩm quyền xem xét (quận hoặc Sở Xây dựng theo sự phân cấp về loại công trình). Trước khi thi công, chủ nhà cũng phải thông báo với chính quyền địa phương để theo dõi việc thực hiện. Trong trường hợp chủ nhà nghiêng không tự nguyện khắc phục sự cố, Nhà nước sẽ cưỡng chế theo Điều 86 Luật Nhà ở.

Ông Hiệp cho biết ngày 26.4, Sở Xây dựng sẽ ban hành tiếp văn bản hướng dẫn cặn kẽ các quận, huyện về thủ tục pháp lý, cách thực hiện trong việc giải quyết tình trạng nhà nghiêng.

Nhà ở có nguy cơ sụp đổ đã có kết luận của cơ quan kiểm định, nếu chủ nhà không tự nguyện thì Nhà nước sẽ ra quyết định phá dỡ. Mọi chi phí do chủ nhà chi trả, nếu chủ nhà không chịu chi trả thì cơ quan ra quyết định phá dỡ được quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản để bảo đảm kinh phí cho việc phá dỡ.
(Trích Điều 86 Luật Nhà ở)
Có giúp được gì đâu mà tới hoài vậy

Khi chúng tôi đi kiểm tra, khảo sát một số nhà nghiêng, có chủ nhà còn nói thẳng: “Mấy ông có giúp được gì cho tụi tôi đâu mà tới hoài vậy”.

Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh .
Đâu phải muốn là làm được

Gia đình tôi ở trong căn nhà nghiêng lún như vậy cũng lo lắng lắm chứ. Chẳng may có sự cố gì, tài sản, tính mạng của những người trong gia đình bị ảnh hưởng trước tiên. Cạnh đó, tôi còn phải chịu trách nhiệm nếu sự cố đó ảnh hưởng xấu đến hàng xóm. Có điều để sửa chữa thì cần phải có kế hoạch tài chính chứ đâu phải muốn là làm được.
Chủ một căn nhà nghiêng (đề nghị không nêu tên)
.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP