Hàng trăm ngôi nhà kiên cố hiên ngang “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp mà không bị ngành chức năng “sờ gáy”. Trong khi người dân vô cùng bất bình thì chính quyền xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại tỏ ra khá thờ ơ rồi đưa ra nhiều lý do thiếu thuyết phục để biện minh…
Nhà cửa kiên cố đua nhau “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp trong sự thờ ơ của chính quyền xã An Khánh.
|
Đua nhau “xẻ” đất nông nghiệp làm nhà
Trước kia, khu đồng ruộng Gò Dài, Cổng Bắc, Cổng Trổ, Vườn Ươm, Đồng Biền, khu vực xung quang trường THPT Hoài Đức B và 2 bên đường Quốc lộ 423… thuộc thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh) vốn là đồng ruộng và khu đất nông nghiệp màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, diện tích đất lúa và đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, thay vào đó là khu dân cư mới với hàng trăm ngôi nhà từ cấp 4, nhà cao 2, 3 tầng thậm chí 5, 6 tầng mọc lên san sát. Điều đáng bàn là hàng trăm ngôi nhà nêu trên đều xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Theo quan sát, những dãy nhà không phép tại các khu vực trên nằm san sát nhau, kéo dài hàng km. Hiện nay, khu vực này người dân không chỉ xây nhà làm nơi ở, mà còn đã trở thành một nơi buôn bán khá tấp nập.
Thậm chí, nhiều hộ dân còn xây dựng cả nhà trọ trên đất nông nghiệp để cho thuê kiếm lời.
Theo người dân thôn Ngãi Cầu phản ánh, mới đầu chỉ có lèo tèo vài hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Thấy các hộ trước làm được, thế là người ta “đua nhau” xây dựng nhà “ồ ạt” trên đất nông nghiệp.
Các khu đất nông nghiệp màu mỡ nhanh chóng biến thành khu dân cư mới. Nhiều người ở địa phương khác cũng “hò nhau” đến khu vực này mua đất nông nghiệp với giá rẻ rồi xây nhà cửa sinh sống.
Người dân địa phương cho hay, các hộ xây được nhà trái phép trên đất nông nghiệp đều phải “đi đêm” với các ngành chức năng địa phương. “Mua đất thì dễ, làm nhà trên đó cũng hơi khó, nếu không biết quan hệ. Ở đây phải biết cách quan hệ với chính quyền xã mới xây được. Nếu không chịu khó quan hệ, các anh cứ san mặt bằng, chở gạch ngói về tập kết trên đất nông nghiệp mà xem. Chỉ tiếng đồng hồ sau, cán bộ không đến lập biên bản mới là lạ…”- một người dân thôn Ngãi Cầu chép miệng.
Theo người dân thôn Ngãi Cầu, trước tình trạng nhà không phép mọc trên đất nông nghiệp, người dân đã báo cho chính quyền xã các trường hợp sai phạm mới ngay từ khi bắt đầu mới xây dựng.
Nhiều trường hợp chính quyền xã cũng xuống kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Ai dè, chỉ thời gian sau, đâu lại vào đấy, các công trình không phép vẫn ngang nhiên mọc lên và hoàn thiện trong sự bức xúc của người dân. Đơn từ cũng được gửi đến các ngành chức năng của huyện Hoài Đức. Thế nhưng, không hiểu lý do gì, không có ngành chức năng nào quan tâm, giải quyết. Các ngôi nhà không phép mới vẫn vô tư “mọc” lên trên đất nông nghiệp khiến diện tích đất nông nghiệp của xã An Khánh ngày càng bị thu hẹp.
“Bao nhiêu năm chúng tôi gửi đơn kiến nghị khắp nơi, đều có giấy tiếp nhận đơn thư, đã làm việc với UBND huyện Hoài Đức nhưng làm việc để mà làm việc thôi, xong người ta lại làm ngơ. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được một văn bản trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan chức năng”- một người dân thôn Ngãi Cầu nói.
Lỏng lẻo quản lý
Theo cán bộ địa chính xã An Khánh thống kê, tổng hợp các hộ sai phạm trên toàn thôn Ngãi Cầu là 240 hộ. Tuy nhiên, khi được hỏi về các sai phạm này thì người dân cho biết họ phải đưa tiền cho cán bộ địa chính, còn cán bộ địa chính thì khẳng định, đây chỉ là “đồn thổi”. Việc xử phạt làm theo đúng quy định, chỉ xử phạt hành chính tối đa 2 triệu đồng/ lần vi phạm.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Huy Hoán - Chủ tịch UBND xã An Khánh khẳng định, việc người dân tự ý xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn thôn Ngãi Cầu là có thật.
Theo ông Hoán, thực trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay, qua nhiều thế hệ lãnh đạo nên rất khó giải quyết.“Có nhà được xã phát hiện kịp thời nhưng có nhà phát hiện chậm. Mà khi phát hiện, xã xuống thì cũng chỉ cưỡng chế, dỡ được đến phần móng thôi chứ làm sao mà có phương tiện múc cả móng đi được. Có nhà thì dỡ xong họ cứ để móng đấy rồi lợi dụng đêm tối hoặc những lúc xã, huyện có việc tập trung lớn thì họ tiến hành làm khẩn trương. Khi xã xuống thì họ lợp mái rồi nên thủ tục rất khó khăn, phức tạp…”- ông Hoán biện minh.
Mặt khác, vị Chủ tịch UBND xã An Khánh cũng không ngại thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp là do chính quyền xã quản lý lỏng lẻo.
Liệu có thật là do chính quyền xã “bất lực” trước sai phạm hay có uẩn khúc gì đằng sau việc các ngôi nhà không phép “mọc” lên nhan nhản. Dư luận địa phương mong ngành chức năng huyện Hoài Đức vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra tại xã An Khánh để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: