Top

Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ và bối cảnh lòng dân!

Cập nhật 08/10/2018 10:35

 Khi người dân vẫn còn khốn khổ vì ngập nước, kẹt xe… thì bàn về nhà hát giao hưởng lúc này, cũng từa tựa như một gia đình thiếu ăn vay nợ mua ôtô đi với mục đích duy nhất là “cho bằng thiên hạ”…

“UBND TP HCM vừa trình HĐND TP chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc và Vũ kịch (GHN và VK) đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách, là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương”…


Cũng gần với thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận về những sai phạm tại Thủ Thiêm, những cố ý làm trái, những quyết định vượt thẩm quyền... Đó là một kết luận mà những người dân bỗng nhiên mất đất tại Thủ Thiêm đã phải trên đầu đội đơn, bàn chân rạc ngõ, tay mòn dấu gõ cửa kêu gần hai mươi năm trời.

Thủ Thiêm, bên cạnh những cao ốc, những khu đô thị mới, những đại công trường ngổn ngang thì còn có cả nước mắt, sự tủi phận...của những người dân tại nơi này.

Một góc khu vực 4,3 ha của người dân Thủ Thiêm nằm ngoài ranh quy hoạch bị thu hồi đất không đúng.

Đành rằng, trong bất cứ một quốc gia phát triển nào, cũng cần có một nhà hát giao hưởng. Để có một nhà hát giao hưởng, cần phải có nghệ sĩ, loại hình văn hoá kén chọn người thẩm thấu nghệ thuật rất cầu kỳ.

Muốn có nhà hát giao hưởng, phải có nhạc trưởng, phải có nghệ sĩ biểu diễn, phải có thính giả có trình độ, phải có lòng người thoải mái hân hoan. Chứ không chỉ đơn giản có nhà hát giao hưởng nghĩa là được tăng hạng về văn hoá nghệ thuật.

Văn hoá là một quá trình, nghệ thuật cũng là một quá trình. Mà muốn văn hoá lẫn nghệ thuật phát triển, không còn cách nào khác ngoài chuyện nâng cao đời sống từ tinh thần cho đến vật chất của người dân.

Người dân TP hàng ngày đối mặt với cảnh ngập nước khi mưa...

Ùn tắc giao thông trên đường

Khi mà hơn mười triệu dân của thành phố vẫn hoảng hốt trước một cơn mưa vì sợ ngập nước; khi mà hơn mười triệu dân của thành phố luôn cảm thấy mỏi mệt khi kẹt xe vào giờ tan tầm; khi mà mười triệu dân thành phố vẫn hoang mang với cái cách chống ngập theo lối “nâng đường biến nhà dân thành hang”; khi mười triệu dân thành phố vẫn thấy những hàng cây bị san phẳng để cho một cây cầu vượt mấy năm trường vẫn chưa động thổ... thì bàn về nhà hát giao hưởng lúc này, cũng từa tựa như một gia đình thiếu ăn vay nợ mua ôtô đi với mục đích duy nhất là “cho bằng thiên hạ”.

Quan trọng hơn hết, khi nỗi lòng của người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải hết, thì cũng khoan bàn về chiêng trống cười đùa.
Bao giờ Thủ Thiêm được giải quyết, bao giờ thành phố hết bụi bẩn ngập nước kẹt xe, bao giờ những tán xanh vẫy vùng cùng nắng sớm... Khi ấy bàn về nhà hát giao hưởng cũng chưa muộn.

DiaOcOnline.vn - Theo Kiến Thức