Top

TPHCM KHÔNG CHO XÂY CĂN HỘ THƯƠNG MẠI DƯỚI 45M2:

Ngăn giấc mơ an cư của người lao động nghèo

Cập nhật 20/09/2017 08:59

UBND TPHCM vừa có quy định tiêu chuẩn diện tích tối thiểu căn hộ chung cư đối với nhà ở xã hội là 25m2, nhà thương mại là 45m2.

Bình Dương được cho là địa phương rất thành công với mô hình các căn hộ diện tích nhỏ dành cho người thu nhập thấp.Ảnh: LÊ TOÀN

Quan điểm của lãnh đạo thành phố cho rằng, căn hộ chung cư với diện tích nhỏ sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội của thành phố, dẫn đến nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị.
Tuy nhiên, nhiều người lao động và nhà đầu tư cho rằng, quy định như vậy là cứng nhắc và ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người lao động nghèo.

Nhỏ hơn 45m2 có phải nguy cơ “nhà ổ chuột”?

Khi đưa ra tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu trong văn bản 5657/UBND-ĐT, TPHCM cho rằng, hiện thành phố có tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại loại hình căn hộ chung cư diện tích nhỏ (dưới 45m2/căn) sẽ làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình này. Qua đó, làm tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đang quá tải. Điều này cũng phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị.

Trên cơ sở đó, TPHCM kiến nghị trong thời gian chờ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về nhà chung cư được ban hành, tiêu chuẩn diện tích nhà ở thương mại được áp dụng theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4451:2012 về Nhà ở - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế.
Trong khi đó, mới đây Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời đề xuất của Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành về đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại và các căn hộ có diện tích 20-30m2. Bộ này cho biết Luật Xây dựng 2005 quy định nhà chung cư phải thiết kế khép kín, có diện tích sàn mỗi căn hộ không thấp hơn 45m2.

Tuy nhiên, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã gửi văn bản đến Bộ Xây dựng, đề nghị cho phép đầu tư nhà thương mại với diện tích 30-40m2. Bộ thừa nhận nhu cầu về căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 45m2) là rất lớn. Loại nhà này nhằm phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, độc thân, hộ gia đình trẻ 2-3 thành viên tại các đô thị lớn, các khu vực phát triển công nghiệp.

“Luật Nhà ở năm 2014 (thay thế Luật Nhà ở ban hành năm 2005) đã bỏ quy định giới hạn diện tích tối thiểu là 45m2 đối với căn hộ chung cư thương mại. Trong thời gian chờ Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, thì có thể áp dụng tạm thời tiêu chuẩn diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25m2 đối với căn hộ thương mại” - Bộ Xây dựng trả lời.


Nhà ở cho người thu nhập thấp ở Bình Dương. Còn tại TP.Hồ Chí Minh, với giá cả đắt đỏ, việc quy định căn hộ thương mại phải trên 45m2 khiến cho NLĐ nghèo không còn cơ hội mua nhà. Ảnh: Lê Toàn

Quy định cứng nhắc!

Nhận xét về quyết định của TPHCM, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành - cho rằng, TPHCM đã quá cứng nhắc trong việc quy định căn hộ thương mại có diện tích tối thiểu 45m2 mà không tính toán tới nhu cầu ở thực của người dân.

Ông Đực cho hay chương trình phát triển nhà ở xã hội nhằm phát triển nhà cho người thu nhập thấp được nỗ lực thực hiện nhiều năm qua, nhưng đã thất bại. Nhà ở xã hội với giá khoảng 1 tỉ đồng/căn chỉ được bán cho một số đối tượng nhất định, có thu nhập ổn định với thủ tục hết sức phức tạp. Trong khi đó, nhu cầu căn hộ diện tích nhỏ khoảng từ 30-40m2 là rất lớn.

Người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức, viên chức. TPHCM làm như vậy là đã ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người lao động nghèo.

“Hiện nay, tôi biết rất nhiều doanh nghiệp muốn làm nhà nhỏ, hợp túi tiền với người mua, họ phải chạy ra tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thực hiện. Nếu không có nhà thương mại dưới 45m2 thì 1 triệu năm nữa người nghèo của TPHCM cũng không có nhà” - ông Đực bức xúc.

Ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng Giám đốc Hưng Thịnh land - cho rằng lãnh đạo thành phố nên lấy nhu cầu thực của người dân để xây dựng những chính sách liên quan đến nhà ở, phải lắng nghe nhu cầu của họ để tính toán. Không thể nói xây căn hộ diện tích nhỏ sẽ làm hình thành khu ổ chuột rồi từ đó cấm luôn.

Ổ chuột có hình thành hay không nằm ở việc làm loại nhà này như thế nào, quản lý và vận hành ra sao. Cần lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu khả năng thực tế của người lao động, người thu nhập thấp, đừng bỏ rơi họ.

Trong những kiến nghị gửi lãnh đạo TPHCM về giải pháp đối với việc quy định diện tích cho căn hộ thương mại, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho rằng Bộ Xây dựng và UBND TPHCM nên cho phép căn hộ chung cư nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2 sàn nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở và nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, xem xét cho phép tỉ lệ căn hộ nhỏ có diện tích từ 25m2đến dưới 45m2 không vượt quá 25-30% tổng số căn hộ của chung cư.

Đối với TPHCM, Hiệp hội kiến nghị có thể cho phép xây dựng loại căn hộ nhỏ có diện tích từ 25m2 sàn đến dưới 45m2 tại các quận ven và huyện ngoại thành thì phù hợp hơn vì thực trạng quỹ đất của thành phố không còn nhiều.

Giấc mơ về nhà ở của người lao động càng xa vời

Ông Nguyễn Văn Phê - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Domex VN (KCX Linh Trung I, Q.Thủ Đức, TPHCM): Nếu lấy lý do vì quá tải hạ tầng mà TPHCM không đồng ý xây căn hộ dưới 45m2 thì sẽ rất thiệt thòi cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là những công nhân (CN) có thu nhập thấp. Có một thực tế như thế này, nếu không xây căn hộ dưới 45m2 thì những CN vẫn đang ở trong các khu nhà trọ “ổ chuột” với diện tích 10m2, đó mới là áp lực cho hạ tầng ở các khu vực đó. Nếu xây căn hộ, CNLĐ có thể tích lũy tiền, mua và ở, sẽ giãn dân ra, không chỉ giải phóng áp lực về nhà ở, trật tự xã hội, y tế giáo dục cho các khu vực quanh các khu công nghiệp mà còn hình thành những khu dân cư mới ổn định, nền nếp hơn là để CNLĐ ở trong các khu nhà trọ “ổ chuột”.

Chị Nguyễn Thị Mai - CN KCN Tân Bình, TPHCM: Vợ chồng tôi vào TPHCM làm việc đã hơn 10 năm, tích góp đến giờ này được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ở thành phố hiện nay nếu có được nhà ở xã hội giá 300-400 triệu đồng chắc không đến lượt mình. Vì vậy, vợ chồng tôi phải cố gắng làm lụng, tích cóp mua nhà ở thương mại với diện tích nhỏ, phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, với quy định của thành phố về căn hộ thương mại không được nhỏ hơn 45m2, thì thú thật giấc mơ về nhà ở của CNLĐ càng xa. Về hạ tầng bị quá tải, TPHCM có thể phân chia hợp lý, chúng tôi có thể di chuyển từ chỗ ở đến nơi làm việc trong phạm vi 15km, cho nên nếu có nhà, xa một chút chúng tôi cũng chấp nhận. Có thể ở khu vực nội thành không thể xây nhà diện tích nhỏ vì áp lực hạ tầng nhưng ở những khu vực xa xa, quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, có thể xây các căn hộ nhỏ để phù hợp với túi tiền của CNLĐ.

Anh Huỳnh Tấn Tài - Chủ tịch CĐ Cty Hong IK Vina (KCX Tân Thuận, TPHCM): Cần xác định rõ đối tượng mua nhà là ai? để có quy định phù hợp. Ở đây, nếu nói nhà ở xã hội thì không phải công nhân nào cũng mua được vì điều kiện để mua được nhà ở xã hội không dễ dàng. Hơn nữa, với số lượng lớn CN, NLĐ nghèo tại TPHCM có nhu cầu về nhà ở rất lớn thì thành phố khó có thể nào đáp ứng được đủ căn hộ nhà ở xã hội. Do vậy, không ít người hướng đến tiếp cận với những căn hộ nhà thương mại diện tích nhỏ. Bởi với NLĐ có thu nhập thấp mà diện tích căn hộ không được dưới 45m2 thì CNLĐ lấy tiền đâu để mua. Ai cũng thích nhà to, chỗ ở rộng rãi nhưng phải xét đến túi tiền của mình, với thu nhập hai vợ chồng hơn chục triệu mỗi tháng thì làm sao có thể mua căn hộ ở TPHCM có diện tích 50m2-60m2. Với diện tích căn hộ như vậy, CNLĐ làm cả đời, nhịn ăn nhịn mặc cũng không thể nào mua được, giấc mơ nhà ở giá rẻ cho CNLĐ xem như khó mà thực hiện.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động