Top

Nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc, bất động sản Việt Nam đón cơ hội mới

Cập nhật 26/04/2017 09:16

Ngành công nghiệp Đông Nam Á đang chiếm ưu thế trước mức chi phí gia tăng tại Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất đang có xu hướng dịch chuyển sang những thị trường rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), đơn vị tư vấn đầu tư bất động sản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia Đông Nam Á đang chiếm ưu thế trong việc thu hút các nhà sản xuất từ tay của Trung Quốc nhờ vào chi phí thấp, tiêu dùng trong nước gia tăng và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện.

Theo báo cáo mới nhất của JLL, điều này sẽ giúp hoạt động đầu tư bất động sản công nghiệp tại các nước Đông Nam Á gia tăng đáng kể, với hiệu suất đầu tư tại một số thị trường được kỳ vọng vượt trên 10%.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhờ làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

“Những thị trường hàng đầu để đầu tư vào bất động sản công nghiệp là Indonesia và Việt Nam”, bà Regina Lim, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn của JLL nhận định.

Theo bà Lim, ngành sản xuất tại Indonesia được kỳ vọng tăng 6-7% hàng năm đến năm 2021, tính từ mức 5% năm 2016, nhờ vào sự ổn định tiền tệ và những thay đổi về chính sách kinh tế. Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là có lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao dồi dào, chi phí tương đối thấp và nền chính trị ổn định.

Cũng theo báo cáo, trong năm năm qua, Trung Quốc đã cơ cấu lại nền kinh tế đối với tiêu dùng trong nước, dịch vụ và thúc đẩy giá trị xuất khẩu. Cùng với chi phí lao động và giá đất tăng, ngành xuất khẩu tại Trung Quốc chậm lại do các công ty di dời cơ sở sản xuất của họ sang các thị trường có chi phí thấp hơn như Indonesia và Việt Nam. Kết quả là xuất khẩu tại Indonesia tăng từ 5-6% hàng năm và tại Việt Nam tăng 16% hàng năm giai đoạn 2011-2016, so với mức tăng 6% tại Trung Quốc.

Đối với chất lượng giáo dục và kỹ năng tay nghề, trong khi Việt Nam đang có những bước tiến thì Thái Lan, Malaysia và Indonesia lại đi chậm hơn. Các chính sách nhằm cải thiện chất lượng nhân lực và kỹ năng tay nghề có thể giúp đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa ở các nước này, theo báo cáo JLL.

Hơn nữa, dữ liệu từ JLL cho thấy, chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia đã được cải thiện trong suốt 12 năm vừa qua, giúp các nhà đầu tư quốc tế tự tin hơn khi đầu tư vào các thị trường này.

Bà Lim nhận định: “Đông Nam Á có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh thị trường khi lập kế hoạch hoạt động và đầu tư công nghiệp của mình”.

Tuy vậy, cùng nằm trong dòng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ phải cạnh tranh với Ấn Độ. Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo quý về tình hình thị trường mới đây, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL tại Việt Nam, tiết lộ: Trong chiến lược chuyển khỏi thị trường Trung Quốc, hãng điện thoại Apple đã cân nhắc giữa Việt Nam và Ấn Độ.

"Cuối cùng họ đã chọn Ấn Độ làm nơi xây dựng nhà máy mới. Điều đó đáng tiếc cho Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam rút kinh nghiệm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tăng sức hấp dẫn so với các thị trường khác", ông Quang cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức