Top

Nhà đầu tư nước ngoài “ngại” đổ vốn vào BĐS Việt Nam

Cập nhật 24/10/2012 10:30

Nhiều phân khúc của thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá cao về mức độ hấp dẫn đầu tư. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản ngày càng giảm do lo ngại về tiến độ thực hiện và khả năng sinh lời kém của dự án.

Tại “Đêm bất động sản lần thứ 41” do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức tối 23/10, ông Michael Modler – Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) nêu các con số, giá trị vốn FDI vào bất động sản tại thời điểm 2008 lên đến 23 tỷ USD, sang năm 2009 đột ngột giảm còn 7.4 tỷ USD, đến năm 2010 tiếp tục giảm xuống 6.8 tỷ USD.

Tiến độ dự án chậm là một trong những nguyên nhân cản trở dòng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản.

Vào cuối năm 2011, con số này chỉ còn 845 triệu USD. Tính đến hết tháng 8/2012, vốn FDI vào bất động sản trong nước là 1.7 tỷ USD. Điều đó cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam đã bắt đầu sụt giảm từ năm 2008.

Trong đó, dòng vốn đổ vào bất động sản đến từ các nước phương Tây ngày càng giảm vì nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng hơn trong tiếp cận đầu tư. Nhiều nhà đầu tư là các quỹ phúc lợi hoặc quỹ hưu trí quốc gia đã chuyển sang đầu tư bất động sản trong nước hoặc ra nước khác vì mong muốn lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, ông Michael Modler cho rằng, các dự án địa ốc tại Việt Nam hiện đang tồn tại những vấn đề như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu năng lực tài chính, thay đổi kế hoạch đầu tư do sự đi xuống của thị trường và những khó khăn về kinh tế.

Thực tế tại nhiều dự án bất động sản, chỉ có một vài dự án thực hiện đúng tiến độ. Trong tổng vốn FDI đổ vào bất động sản, chỉ có khoảng 20 – 30% số vốn được giải ngân. Vốn này chủ yếu được dùng vào những chi phí ban đầu như giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án. Đây là điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, khó có dự án nào đem lại lợi nhuận kinh tế cũng khiến nhiều nhà đầu tư rời bỏ thị trường bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Michael Modler đưa ra thông tin, trong cuộc khảo sát do các nhà đầu tư và chuyên gia bất động sản của Công ty PWC tiến hành nhằm xếp hạng về mức độ hấp dẫn đầu tư tại 21 thành phố lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương, nhiều phân khúc của bất động sản Việt Nam đạt vị trí khá triển vọng. Theo đó, Việt Nam xếp thứ nhất các phân khúc khách sạn, nhà ở và quy mô đất công nghiệp; xếp thứ 3 về bán lẻ và xếp thứ 4 về văn phòng cho thuê. Trong tương lai, các nhà đầu tư Châu Á sẽ vực dậy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet