Top

Nỗi lo hàng tồn kho

Cập nhật 24/10/2012 09:10

Việc giải quyết lượng hạng tồn kho bất động sản sẽ là một trong những nhiệm vụ trong tâm năm 2013.

Theo số liệu thống kê của hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng tồn kho trị giá hơn 83.804 tỉ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Như vậy, số bất động sản tồn kho đang chiếm tới 45,84% tổng tài sản của các doanh nghiệp này.

Ông Phan Thành Mai – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, “di sản” của các nhà đầu tư bất động sản năm 2013 là khoản nợ khồng lồ tại các ngân hàng thương mại và lượng hàng tồn kho “khủng” với số lượng lên đến hàng triệu m2 sàn xây dựng từ nhiều năm trước cộng lại.

Bất động sản là một trong những ngành hàng có mức giảm điểm mạnh nhất trên sàn chứng khoán, hiệu quả kinh doanh thấp nhất. Xét trong nhóm 12 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có kết quả kinh doanh tốt trong Quý IV/2011 thì tại thời điểm Quý II/2012, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) sụt giảm từ 25,2 về mức 7,9%. Tác động 2 chiều của thị trường bất động sản đến kinh tế vĩ mô là vô cùng lớn. Bức tranh của thị trường năm 2013 được dự báo là chưa có tín hiệu đi lên.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nói: “Hàng tồn kho nhiều, tức là tính thanh khoản của doanh nghiệp, thị trường rất kém, độ hấp thụ rất thấp, chu chuyển vốn bị ứng đọng rất lớn. Đầu ra của các doanh nghiệp bất động sản nhưng lại là đầu vào của các ngành doanh nghiệp khác, hàng tồn kho tăng cao nghĩa là nền kinh tế đình đốn, trì trệ, tốc độ tăng trưởng của quốc gia sụt giảm, dấu hiệu của giảm phát. Để giải quyết hàng tồn kho, cần có giải pháp tổng lực, phải kích đầu ra - tức là kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, chính sách tín dụng với lãi suất hợp lý”.

Tại buổi tòa đàm về thị trường bất động sản vừa được tổ chức Hà Nội, ông Trần Văn Tần – Trưởng phòng Tín dụng (Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, thị trường bất động sản trong thời gian qua là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi và phát triển ổn định của thị trường bất động sản sẽ tạo ra sự lan toả và có tác động tích cực đến nền kinh tế.

Vì vậy, trong năm 2013 và những năm tiếp theo để giúp thị trường “ấm“ lên cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngành ngân hàng cần tập trung giải bài toán vốn đầu tư cho bất động sản. Nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư và người mua nhà trên thị trường thường có thời hạn dài, trong khi đó ngân hàng lại thiếu các nguồn vốn dài hạn để đáp ứng cho các nhu cầu này, do đó cần có những công cụ tài chính để chuyển các khoản vốn tài trợ ngắn hạn thành vốn trung dài hạn.

Theo ông Tần, năm 2013, ngành ngân hàng tiếp tục đầu tư cho xây dựng nhà ở và thị trường bất động sản, tập trung nguồn vốn cho vay đối với nhà ở cho các đối tượng xã hội, các công trình sắp hoàn thành hoặc đang triển khai đúng tiến độ để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Kiểm soát chặt chẽ đối với các dự án thuộc phân khúc thị trường không phù hợp và đang gặp khó khăn, như các dự án nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê... Tất cả những biện pháp đó sẽ là góp phần giải quyết một cách cơ bản các vấn đề của thị trường đặt ra trong tương lai trung hạn, ông Tần cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia