Top

Nhà đất "nóng" theo dự án hạ tầng miền Đông Nam bộ

Cập nhật 11/01/2010 11:20

Hàng loạt dự án từ nền đất đến căn hộ thi nhau được chào bán và khởi công tại Đồng Nai để "đón gió" hạ tầng: dự án đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, mở rộng quốc lộ 51, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu...

Không đợi đến khi khởi công dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, từ khi phong thanh chuyện sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành, di dời trung tâm hành chính của tỉnh Đồng Nai về huyện này; hay dự án mở rộng quốc lộ 51, rồi đến quy hoạch tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu... giới buôn bất động sản đã bắt tay vào chiến dịch săn hàng chờ thời vận.

Nắm bắt quy luật tăng trưởng của bất động sản theo tiến độ kết nối hạ tầng, nhiều doanh nghiệp phát triển địa ốc đã không bỏ lỡ cơ hội này để hâm nóng thị trường, dù sức hút của tỉnh lẻ như Đồng Nai chưa mạnh mẽ bằng người láng giềng TP HCM.

Khởi đầu năm mới 2010, Đồng Nai đã có dự án chào hàng. Ngày 8/1, Công ty NAC công bố phân phối dự án khu phức hợp Long Thành Plaza tọa lạc ngay mặt tiền Quốc lộ 51, huyện Long Thành. Giá căn hộ thấp nhất 10 triệu đồng mỗi m2. Dự án cao 19 tầng, diện tích sàn xây dựng hơn 95.000 m2 gồm căn hộ cao cấp cho thuê, trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ ở do Công ty Donacoop làm chủ đầu tư.

Trước đó chỉ hai ngày, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Thống Nhất đã khởi công dự án khu chợ và khu phố chợ ngay ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất. Dự án rộng 7 ha, gồm khu trung tâm thương mại gần 2 ha và 317 nhà phố liên kế. Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa Nguyễn Thị Thanh Hương, đơn vị phân phối dự án cho biết, doanh nghiệp sẽ chào bán sản phẩm vào tháng 4, giá dự kiến 3-5 triệu đồng mỗi m2.
 

Khởi công dự án khu phố chợ ngay ngã ba Dầu Giây, Đồng Nai. Ảnh: Vũ Lê.


Trên thực tế, các đại gia địa ốc tại Đồng Nai đã sẵn sàng hàng loạt dự án nền đất và căn hộ, chỉ tính toán thời điểm để tung sản phẩm trong năm nay. Khảo sát của VnExpress.net, huyện Long Thành là một trong những địa bàn được mùa dự án với rất nhiều khu đô thị quy mô lớn.

Chỉ tính riêng địa bàn hai xã Tam Phước và Long Hưng đã có đến 4 khu đô thị. Đó là khu đô thị Phước Hưng có tổng diện tích 286 ha; khu đô thị Aquacity rộng 304 ha; khu đô thị Waterfront quy mô 366 ha; khu dân cư Long Hưng 227 ha. Huyện Trảng Bom có dự án lớn nhất là khu dân cư Giang Điền 529 ha.

Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc tại Đồng Nai còn tung ra những khu dân cư quy mô nhỏ và trung bình như: Phú An (11,5 ha), Tam Phước (18 ha); cù lao Tân Vạn (45 ha), khu dân cư Tân Biên (126 nhà phố và 22 vila), dự án căn hộ Quang Vinh (0,89 ha)...

Trao đổi với báo chí ngày 8/1, Chánh văn phòng UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai Trương Văn Phương cho biết năm 2010 là thời điểm tỉnh xúc tiến khảo sát nhiều dự án hạ tầng cùng một lúc nên sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường nhà đất.

Ngoài dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã khởi công, còn có nhiều dự án khác đang xúc tiến bước đầu. Chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành đang phối hợp cùng địa phương khảo sát lập quy hoạch. Dự án mở rộng quốc lộ 51 và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang trong giai đoạn tương tự.
 

Phối cảnh đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tương lai, dự án hạ tầng được dự báo sẽ là chất xúc tác giúp thị trường bất động sản Đồng Nai sôi động hơn năm 2009. Ảnh: Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam


Ông Phương cho biết thêm, dự án khu dân cư tái định cư Lộc An - Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn quy mô 500 ha xung quanh sân bay Long Thành tương lai, đang được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai lập quy hoạch khu đô thị dịch vụ hàng không với diện tích 21.000 ha.

"Riêng việc di dời trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai về huyện Long Thành đã được HĐND tỉnh thông qua, đã trình Chính phủ đồ án này và chờ ý kiến của trung ương", ông Phương cho hay.

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường địa ốc phía Nam đang phát triển và tăng trưởng theo chu kỳ ngày càng ngắn lại, đồng thời dịch chuyển điểm nóng của thị trường theo hướng xoay vòng.

Cụ thể, sau chu kỳ lớn thường kéo dài 5 năm tại TP HCM, gần đây thị trường mới nổi như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, đang có sự dịch chuyển luân phiên với chu kỳ trung bình 2-3 năm. Hầu hết tỉnh láng giềng của TP HCM chỉ thu hút giới đầu tư nhà đất bằng tiềm năng phát triển đồng bộ của hạ tầng. Tuy nhiên, thị trường mới nhen nhóm này mua dễ bán khó, chôn vốn khá lâu, tính thanh khoản chưa cao và phụ thuộc rất lớn vào tiến độ hạ tầng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong năm 2010 điểm nóng của thị trường nhà đất sẽ rơi vào các khu vực có sự hoàn thiện về hạ tầng. Tại TP HCM có khu vực quận 2, 9 sẽ sôi động nhờ các đường kết nối hoàn thiện Đại lộ Đông Tây và cầu Phú Mỹ. Còn phía Đông Sài Gòn trở ra, Đồng Nai là địa bàn nhiều tiềm năng bật dậy trước tiên và nhạy cảm với nhà đầu tư nhất.

Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải nhận định, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An có chung đặc điểm là giá đất rất rẻ hơn Sài Gòn. Chủ đầu tư đã sẵn sàng về mặt pháp lý, khách hàng chỉ cần thủ sẵn vài trăm triệu đồng là có sổ đỏ ngay. Tâm lý nhà đầu tư và khách hàng ngoại tỉnh luôn cho rằng nắm trong tay sổ đỏ xem như là một tài sản chắc chắn, bền vững nên ai có chút tiền đều muốn dự phần.

Một mặt thừa nhận tính hấp dẫn của thị trường nhà đất Đồng Nai trong năm 2010, mặt khác, ông Hải cho rằng rủi ro cũng tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Ông phân tích, chủ đầu tư hiện nay không đi vào thiết kế dự án dành cho người ở lâu dài mà đa phần chỉ quan tâm đến yếu tố đầu tư đón gió hạ tầng. Điều này dễ dẫn đến việc các khu đô thị, khu dân cư vắng người, dẫn đến tính thanh khoản của bất động sản bị hạn chế.

Chuyên gia này khuyến cáo, khi muốn đổ tiền vào thị trường tỉnh nhà đầu tư nên có kế hoạch dài hạn, ít nhất là 3-5 năm, thậm chí dài hơn 7-10 năm. Bởi lẽ sức khỏe của thị trường bất động sản còn "yếu", chưa phục hồi hoàn toàn sau đợt suy thoái.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress