Top

Sắp thông tuyến đường cao tốc Trung Lương

Cập nhật 11/01/2010 08:20

Thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang sẽ được rút ngắn hơn một nửa. Theo kế hoạch, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư) sẽ được thông xe tạm thời vào ngày 3-2.

Thông “dòng chảy” về miền Tây

Hiện nay chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu thi công ráo riết để kịp đưa tuyến đường này vào khai thác tạm nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết Canh Dần 2010. Về lâu dài, người dân đi lại trên tuyến đường này phải đóng phí nhưng trong dịp tết này sẽ được miễn phí.

Nhờ có tuyến đường cao tốc này, thời gian từ TP.HCM đi Tiền Giang sẽ được rút ngắn còn khoảng 30 phút, thay vì một giờ 30 phút như hiện nay. Theo thiết kế, tuyến đường có tám làn xe, giai đoạn một sẽ đưa vào khai thác bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết hiện quốc lộ 1A là tuyến huyết mạch độc đạo nối liền TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. “Khu vực cửa ngõ phía Tây của TP.HCM luôn xảy ra ùn tắc vì quá tải. Vì thế, việc đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ có ý nghĩa lớn về kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết vấn nạn ùn tắc, kẹt xe thường xuyên diễn ra trên quốc lộ 1A” - ông Toàn nhận định.
 

Ðưa vào khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương sẽ góp phần giải quyết vấn nạn ùn tắc trên quốc lộ 1A cửa ngõ phía Tây TP.HCM. Ảnh: HTD


Chạy chậm sẽ bị phạt


Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120 km/giờ, có dành hai làn đường để dừng xe khẩn cấp, lánh nạn. Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam.

Trên tuyến đường sẽ có khoảng 40 km hệ thống đường cao tốc (không có các điểm giao cắt như các đường thông thường hiện nay) và các đường nối. Phương án thông xe còn đang được chủ đầu tư hoàn thiện. Nhưng dự kiến trong số hơn 2 km đoạn đầu ở TP.HCM thì xe gắn máy được phép lưu thông trên khoảng 1 km (đoạn từ nút giao Tân Tạo ở quận Bình Tân đến nút giao chợ Đệm ở huyện Bình Chánh).

Theo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ bị cấm đi vào đường cao tốc. Các ôtô, xe tải chạy trên đường cao tốc phải đáp ứng yêu cầu về tốc độ tối thiểu và không được chạy quá vận tốc tối đa. Đây cũng là một sự khác biệt với việc quy định vận tốc tối đa ở các tuyến đường hiện hữu.

Dự kiến trên tuyến đường cao tốc sẽ được lắp đặt máy bắn tốc độ nhằm ghi hình làm căn cứ xử phạt các xe không đảm bảo yêu cầu tốc độ.

Đặc biệt, tất cả 40 km đoạn cao tốc của tuyến đường TP.HCM - Trung Lương sẽ được phủ lớp phủ siêu mỏng tạo nhám mặt đường. Đây là công nghệ an toàn giao thông thuộc loại hiện đại nhất, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Công nghệ này có những tính năng vượt trội: lớp tạo nhám giảm bắn nước như bề mặt các tuyến đường hiện hữu, chống trơn trượt, giúp an toàn hơn với vận tốc cao, tăng tuổi thọ cho con đường…
 

Ðảm bảo nhu cầu vận tải đến năm 2025

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một bộ phận của đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ (tổng chiều dài 82 km đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và kết thúc tại Cần Thơ). Toàn tuyến có bảy nút giao, 13 cầu và các công trình phụ trợ. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực đến năm 2025.

62 km là tổng chiều dài của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Điểm đầu tuyến là nút giao Tân Tạo (quốc lộ 1A, thuộc quận Bình Tân). Tuyến đường này sẽ đi qua Long An và kết thúc tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang, cách ngã ba Trung Lương khoảng 5 km).

6.600 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư dự kiến khi dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn một được khởi công (tháng 12-2004). Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Nhưng do không đảm bảo tiến độ nên đến nay tuyến đường vẫn chưa hoàn thành và tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên hơn 9.880 tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP