Top

Nhà đất dần “rã đông”

Cập nhật 24/02/2014 10:57

Nhận xét về thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2014, ông Trương An Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu TP. Hồ Chí Minh của Công ty Savills Việt Nam cho rằng: “Số lượng giao dịch trên thị trường căn hộ ở tất cả các phân khúc vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ năm 2013 và lượng giao dịch tiếp tục tập trung ở phân khúc có giá trung bình và thấp”.

Những diễn biến của thị trường trong thời gian qua cho thấy, dường như người mua đang dần quay trở lại với thị trường BĐS. Bằng chứng là theo các số liệu thống kê, lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng dần trong những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, khiến áp lực giải phóng hàng tồn kho của các chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp đang giảm dần theo thời gian.

Với người tiêu dùng, nên cân đối giữa khả năng tài chính và nhu cầu của mình để có thể đưa ra quyết định mua hiệu quả

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 12/2013, tồn kho BĐS còn khoảng 94.458 tỷ đồng giá trị, giảm 26,5% so với quý I/2013. Xét về sản phẩm, căn hộ chung cư còn tồn 20.012 căn, nhà thấp tầng 13.585 căn, đất nền khoảng hơn 10 triệu m2. Hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ cao cấp và biệt thự, nhà liền kề.

\Các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn cơ bản đã có chủ. Cơ cấu hàng hoá BĐS đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường: tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán hợp lý, hướng tới nhu cầu của số đông người dân…

Trong khi đó, nguồn cung các sản phẩm về đất nền và nhà trên đất dự kiến sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ngược lại, thị trường văn phòng sẽ chứng kiến sự gia nhập ít hơn của các nguồn cung mới, đặc biệt là các văn phòng hạng A và B ở TP. Hồ Chí Minh. Yếu tố này sẽ làm quá trình phục hồi của thị trường văn phòng cho thuê diễn ra một cách chắc chắn hơn, khi các chuỗi bán lẻ sẽ vẫn tiếp tục phát triển.

“Do thị trường BĐS Việt Nam đang bắt đầu một chu kỳ mới và dần trở lại hấp dẫn hơn. Trong bối cảnh phát triển của các nước trong khu vực, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng trong năm 2014 và vốn FDI đổ vào thị trường BĐS sẽ cao hơn so với các năm vừa qua”, ông Dương có thêm lưu ý.

Tuy nhiên, thách thức quan trọng nhất đối với thị trường BĐS hiện nay vẫn là vấn đề lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, đặc biệt là lấy lại niềm tin ở những nhà đầu tư đã bị thua lỗ hay phải rời bỏ thị trường trong 3 năm qua. Theo ông Trương An Dương, trong quá trình khó khăn vừa qua, thị trường BĐS Việt Nam đã xảy ra một cuộc sàng lọc trên diện rộng.

Các “người chơi” vẫn còn trụ lại được là các chủ đầu tư có kinh nghiệm từ việc nghiên cứu thị trường một cách chuyên nghiệp đến việc xây dựng các chiến lược marketing và bán hàng hiệu quả. Hơn nữa, các chủ đầu tư này đều đã xây dựng được thương hiệu uy tín, tiến độ xây dựng tốt, chiến lược giá tốt và đồng nhất qua các kênh bán hàng. Đây là những yếu tố tác động đến lòng tin của khách hàng đến với các dự án BĐS.

Góp ý thêm cho vấn đề này, ông Đỗ Minh Hoàng, một chuyên gia BĐS chia sẻ: Theo ý kiến chủ quan của tôi thì chủ đầu tư cần rà soát, nghiên cứu lại nhu cầu của thị trường từ đó hiệu chỉnh chiến lược dự án hợp lý, cân đối dòng vốn, chọn phương án kinh doanh và tiếp thị hiệu quả.

Ngoài ra, với các dự án đã triển khai gần xong thì cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm, có thể bàn giao cho khách hàng theo đúng kế hoạch và cần chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng. Với nhà đầu tư và người tiêu dùng, theo tôi thì nên cân đối giữa khả năng tài chính và nhu cầu của mình để có thể đưa ra quyết định mua hiệu quả.

Mua phục vụ nhu cầu ở, cho thuê hoặc tích lũy tài sản có lẽ là thời điểm tốt. BĐS là việc đầu tư lâu dài, cần nhìn vào khoản đầu tư này ở mức trung hạn và dài hạn để đánh giá hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng