Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội cho biết như vậy khi trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc dư luận cho rằng, Sở này ra thông báo quy định công trình phải có tối thiểu 3 tầng hầm là quá vội vàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tối thiểu 3 tầng hầm trong thiết kế xây dựng các công trình cần triển khai thận trọng, hợp thực tế hơn.
|
*
Thưa ông, cơ sở nào mà Sở QH-KT Hà Nội đưa ra thông báo các chủ đầu tư công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải có tối thiểu 3 tầng hầm?
Sau khi Thành ủy ra thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó có nội dung chỉ đạo các sở liên quan và các chủ đầu tư xây dựng công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại: Trong thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm diện tích tầng để xe, tối thiểu 3 tầng hầm, vừa đảm bảo xe của dân cư và bảo đảm xe của thành phố, xây dựng nhà vệ sinh công cộng và đề xuất cơ chế thu phí. Sở QH-KT mới có thông báo chỉ đạo nội bộ. Bởi các hồ sơ vẫn tiếp tục được các chủ đầu tư nộp vào và Sở phải thụ lý theo quy định, không thể dừng được. Nếu không có hướng dẫn thì không được, vì thế Sở mới ban hành một thông báo mang tính chất nội bộ, hướng dẫn các bộ phận xử lý hồ sơ. Chúng tôi cũng đã báo cáo UBND thành phố, đề nghị thành phố sớm ban hành quy định cụ thể về việc này. Sau đó, thành phố có văn bản giao Sở QH-KT chủ trì họp liên ngành để bàn phương án cụ thể hóa chỉ đạo của Thành ủy.
*
Nhưng ngay trong thông báo của Sở QH-KT đã yêu cầu các phòng ban trực thuộc hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại, thưa ông?
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội.
|
Theo chỉ đạo của thành phố nhiệm vụ của các sở ngành là phải họp bàn để tham mưu cho thành phố xem công trình nào sẽ áp dụng quy định này. Đối tượng nào sẽ làm tối thiểu 3 tầng hầm, đối tượng nào không. Các sở ngành phải nghiên cứu đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy như: thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách, phân loại theo quy mô đầu tư về nhà thương mại, nhà xã hội, công trình công cộng; theo không gian áp dụng-nội thành, ngoại thành… Tóm lại hướng dẫn cụ thể thế nào còn đang bàn, chứ không có chuyện bắt buộc tất cả các công trình đều phải có tối thiểu 3 tầng hầm. Các sở sẽ họp bàn và Sở QH-KT sẽ tổng hợp ý kiến để sớm đề xuất thành phố. Khi nào UBND thành phố ban hành quy định thì mới chính thức có hiệu lực để thực hiện.
*
Vậy chủ trương này đang trong quá trình xây dựng chính sách, thì các dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục nộp hồ sơ vào sẽ được xử lý ra sao, thưa ông?
Nếu là các nhà đầu tư nộp hồ sơ xây dựng nhà cao tầng, chúng tôi tiếp nhận bình thường, đồng thời hướng dẫn, khuyến khích họ nên làm 3 tầng hầm. Tới nay, thành phố cũng chưa có chỉ đạo nào về việc phải dừng nhận hồ sơ đối với các dự án nhà cao tầng cả.
Đúng trách nhiệm chứ không vội vàng!
*
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Sở QH-KT đưa ra thông báo này là vội vàng, thiếu thực tế và trái luật?
Sở chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của mình chứ không có sự vội vàng. Sở phải có động thái để thông báo cho các chủ đầu tư biết có chủ trương chung như thế để họ có thể tự đưa ra giải pháp cho công trình, dự án của mình. Tất cả còn đang bàn và sẽ sớm có quy định cụ thể. Còn chủ trương này sẽ không xung đột hay trái quy định hiện hành. Việc tăng diện tích tầng hầm là đúng. Chúng ta đang thiếu diện tích dành cho giao thông tĩnh nên không phải lo thừa. Điều này cần giải quyết khi Hà Nội đang phải đỗ xe trên vỉa hè.
*
Việc quy định tối thiểu 3 tầng hầm sẽ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu tư xây dựng dự án, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm và đương nhiên không phải chủ đầu tư nào, dự án cao tầng nào cũng có thể đáp ứng việc tối thiểu 3 tầng hầm, thưa ông?
Đúng là chi phí xây dựng khi sẽ tăng khi các dự án tăng thêm tầng hầm, do đó thành phố chắc chắn sẽ có chủ trương để các chủ đầu tư khai thác hiệu quả các tầng hầm đó vì không chỉ phục vụ nhu cầu của tòa nhà mà còn phục vụ người dân xung quanh. Và điều quan trọng hơn, nếu chúng ta không nhanh chóng giải quyết bài toán giao thông tĩnh thì thiệt hại về kinh tế - xã hội sẽ còn lớn hơn rất nhiều, ảnh hưởng cả tới thành phố và các nhà đầu tư. Thành phố đưa ra chủ trương này trên cái nhìn toàn cục, lâu dài và tôi nghĩ các nhà đầu tư nên chia sẻ gánh nặng này với thành phố, vì sự phát triển chung.
*
Ông nghĩ thế nào khi chủ trương này đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và các chủ đầu tư?
Với những chủ trương mới, chúng tôi nghĩ sự phản biện của dư luận xã hội là đương nhiên. Chúng tôi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện một cách cầu thị. Thực tế, từ khi Sở ra thông báo, chúng tôi cũng chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào về chủ trương này. Thậm chí trong số những doanh nghiệp tới Sở nộp hồ sơ gần đây, có chủ đầu tư đã xin tăng thêm số tầng hầm của công trình sau khi nghe Sở giải thích, khuyến khích. Việc này thành phố sẽ phân loại từng đối tượng công trình chứ không có chuyện áp dụng máy móc, đồng loạt tất cả các dạng công trình.
*
Cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: