Theo nhiều báo cáo về thị trường bất động sản vừa được công bố, trong năm 2016, các sản phẩm thuộc phân khúc bất động sản giá rẻ tiếp tục trở nên khan hiếm.
Trong bối cảnh sức cầu tiềm năng vẫn rất lớn, nhà giá rẻ sẽ tăng giá là kịch bản đang được nhiều người nghĩ đến.
Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người nghèo đang phải mua nhà giá rẻ với mức giá… không còn rẻ, cũng như chất lượng dịch vụ, tiện ích tại các khu căn hộ bình dân này thực sự đáng báo động.
Dù chưa có quy định chính thức, nhưng phân khúc nhà giá thấp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM phổ biến ở mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, giá trị trên dưới 1 tỷ đồng/căn.
Cuộc khảo sát gần đây của CBRE cho thấy, 80% nhu cầu thực về nhà ở thuộc người lao động có thu nhập trung bình, thấp. Do đó, những dự án căn hộ có giá từ 15 triệu đồng/m2 trở xuống, diện tích 70 m2 vẫn là dòng sản phẩm được quan tâm.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi tìm đến nhiều dự án nhà ở giá rẻ, người mua nhà sẽ không dễ để có thể tìm được nhà giá rẻ với… giá rẻ thực sự như ban đầu. Số liệu công bố từ VNREA cho thấy, mức giá nhà bình dân tại một số phân khúc có mức tăng gần như không đáng kể, chỉ từ 2 - 3%. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mức giá chào bán, còn thực tế, nếu cộng thêm tiền chênh có khi lên tới cả trăm triệu đồng, thì giá nhà đã tăng tới 10 - 12%.
Vậy nên, điều tưởng như rất nghịch lý lại đang diễn ra, khi phân khúc căn hộ dành cho người nghèo đang bị làm giá nhiều nhất!
Nhớ lại giai đoạn cách đây 2 - 3 năm, khi thị trường còn trầm lắng, phát triển các dự án nhà giá rẻ được coi là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn, được vay vốn hỗ trợ đến 50%, thậm chí 70-80% giá trị căn hộ, các dự án được mở bán trong giai đoạn này đều bán hết chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhưng khi người dân về sinh sống, thực trạng chung tại nhiều dự án nhà ở giá rẻ dẫn họ đến một suy nghĩ phổ biến: “của rẻ là của ôi”!
Chẳng hạn, tại dự án nhà ở thu nhập thấp Kiến Hưng (quận Hà Đông) do CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai làm chủ đầu tư, sau gần 6 năm đưa vào khai thác, vẫn là một “ốc đảo”, với nhiều cái “không”, trong đó đáng chú ý nhất là thiếu hạ tầng đô thị.
Hay tại Dự án Thăng Long Victory, Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), mới bàn giao từ trước Tết Nguyên đán 2016, nhưng phản ánh của cư dân là dự án này vẫn chỉ là một nơi để "chui ra, chui vào". Bởi các tiện ích thiết yếu như trường học, y tế, chợ, hoạt động vui chơi…, cư dân vẫn phải sử dụng nhờ khu dân cư lân cận.
Đặc biệt, các dự án nhà ở bình dân của Tập đoàn Mường Thanh liên tục xảy ra sự cố, cũng như nhận được phản ánh của người mua nhà, như tình trạng mật độ xây dựng và dân cư dày đặc, thang máy quá tải, hệ thống phòng chống cháy nổ sơ sài, kém chất lượng... Đỉnh điểm là việc doanh nghiệp này bị UBND TP. Hà Nội tạm ngừng cấp phép các dự án mới sau sự cố cháy xảy ra ở các chung cư Xa La, Linh Đàm…
Câu chuyện gần đây nhất liên quan đến việc cư dân kiện chủ dự án CT1-Vân Canh chưa hoàn thiện đã ép khách nhận nhà cho thấy người mua nhà tại dự án giá rẻ này thực sự bị... rẻ rúng.
Chính với nhiều lý do nêu trên, sau giai đoạn bùng nổ, nhà giá rẻ nhanh chóng trở nên “mất điểm” một cách trầm trọng trong mắt người mua nhà. Điều này cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc rất nhiều chủ đầu tư chuyển hướng sang phân khúc trung và cao cấp.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho biết, ban đầu doanh nghiệp này cũng muốn đầu tư vào dự án nhà ở giá rẻ, nhưng sau đó đã phải dừng lại, vì tín hiệu thị trường không ủng hộ.
Hiện tại, người mua nhà đã “khó tính” hơn rất nhiều. Nếu muốn hút khách, chỉ có cách đầu tư thêm hạ tầng, tiện ích cây xanh. Mà nếu đã đầu tư như vậy, theo nhiều chủ đầu tư, thêm thắt chút đỉnh thành dự án trung và cao cấp, thì khả năng hồi vốn sẽ cao hơn nhiều.
Với một lý do rõ ràng như vậy, không khó hiểu khi có ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào phân khúc này, dù sức cầu rất lớn, với khoảng 80% nhu cầu thực về nhà ở hiện tại vẫn thuộc về người lao động có thu nhập trung bình, thấp.
Nguyên tắc thị trường là tiền nào của ấy. Nhưng thực sự, với mức tiền đã bỏ ra, nhiều người xứng đáng có được những chỗ ở chất lượng hơn thứ mà họ đang nhận được. Do đó, nếu các cơ quan quản lý không có những biện pháp giám sát chất lượng dự án chặt chẽ hơn, thì rất khó để nhà giá rẻ có được một chỗ đứng trên thị trường!
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: