Top

Nguy cơ phá sản, ông lớn địa ốc 584 bị ngân hàng ráo riết siết nợ

Cập nhật 20/10/2017 13:26

Với khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng và đối diện với nguy cơ phá sản, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 đang bị ngân hàng ráo riết siết nợ.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (NTB) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 được thành lập năm 1999.

Sau cổ phần hóa, NTB đã trực tiếp và hợp tác đầu tư dàn trải nhiều dự án với tổng số tiền gấp nhiều lần vốn. Đến năm 2011, khi chính sách thắt chặt tín dụng có hiệu lực, lĩnh vực bất động sản không còn được vay vốn dẫn đến thị trường bị đóng băng khiến công ty rơi vào khủng hoảng.

Rất nhiều dự án lớn của chủ đầu tư này phải “trùm mền” vì không đủ tài chính để triển khai.

Ngân hàng ráo riết siết nợ

Sau khi được mở cửa cho việc tự thanh lý tài sản thế chấp nhiều ngân hàng đã ráo riết đi siết nợ dự án. Mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Sở giao dịch 2 vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

Theo đó, BIDV sẽ bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với tổng giá trị là 1.091 tỷ đồng (cả gốc và lãi phát sinh tính đến ngày 31/7).

Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên đang bị BIDV siết nợ. Ảnh: VD.

Tài sản thế chấp kèm theo khoản nợ là dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Giá khởi điểm của khoản nợ trên được BIDV thông báo là 810 tỷ đồng. Theo nhận định của BIDV, ngân hàng này chịu lỗ khoảng 300 tỷ đồng khi đấu giá khoản nợ nghìn tỷ với cựu thành viên Cienco5.

Dự án bao gồm một nền đất có diện tích 174,5 m2 tại thửa đất số 302, tờ bản đồ 62, bộ địa chính xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Quyền sử dụng 41.242,1 m2 theo Giấy CNQSDĐ số CT05280 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp ngày 21/2/2011 và tài sản gắn liền với đất là 2 khối chung cư với 712 căn hộ).

Được biết, Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên được (NTB) đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2011, song có rất ít khách hàng đến nhận nhà. Sau đó NTB quyết định hợp tác với CTCP Đầu tư Y tế để chuyển đổi công năng từ chung cư thành bệnh viện. Tuy nhiên chịu sự phản ứng từ khách hàng mua, cộng với không đủ năng lực tài chính để bồi thường nên đã phải ngừng việc chuyển đổi công năng vào cuối năm 2011.

Dự án 584 Tân Kiên cũng từ đó cũng “bất động” trên bảng cân đối kế toán của NTB, góp phần khiến doanh nghiệp lao đao trong gần một thập kỷ qua.

Trên bờ vực phá sản

Từng là doanh nghiệp địa ốc lớn với hàng loạt dự án đình đám ở TP.HCM nhưng hiện tại, 584 đang đứng trước nguy cơ phá sản khi không có nguồn thu, bị khiếu kiện và nợ phải trả gần 4.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.411 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 855 tỉ đồng

Việc đầu tư dàn trải trong thời điểm khủng hoảng cảu thị trường BĐS đã đưa hàng loạt dự án của NTB đã rơi vào tình trạng trùm mền. Chẳng hạn, tại dự án 584 Lilama SHB Building ở quận Tân Phú mà NTB liên doanh với Công ty Lilama SHB ngưng thi công kéo dài đã đẩy nhiều khách hàng rơi vào cảnh bế tắc, nhà không có để ở mà nợ nần thêm chồng chất. Người mua nhà ở dự án này đã gửi đơn kêu cứu lên Thành ủy TP.HCM.

Tình cảnh hiện tại của NTB rất bi đát khi hoạt động kinh doanh trong nhiều năm bị đình trệ, không có nguồn thu. Các dự án không thể triển khai dẫn đến khách hàng khiếu nại, khởi kiện kéo dài. Bộ máy lãnh đạo và những quản lý kinh nghiệm của công ty cũng xin nghỉ việc, để lại khoảng trống trong công tác nhân sự khiến cho việc xử lý các công việc cũ ngày càng thêm khó. Hồi đầu tháng 10, ông Đỗ Biên Thùy, Tổng giám đốc NTB, đã xin nghỉ việc.

Kết quả của hiện tại của NTB là do Hội đồng quản trị lựa chọn sai định hướng đầu tư và chiến lược kinh doanh. Điều này dẫn đến hệ lụy quá lớn và kéo dài khiến NTB không thể gượng dậy.

Năm 2017 là năm thứ bảy liên tiếp, NTB thua lỗ trong kinh doanh. Tính tới cuối năm 2016, NTB đã có mức lỗ gần 400 tỷ đồng, nâng lãi sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 âm tới 1.226 tỷ đồng, chủ sở hữu âm 670 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2016, nợ vay tài chính ngắn hạn của công ty này ở mức 2.163 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ phải trả và không có vay nợ dài hạn.

Báo cáo tài chính năm 2016 thể hiện, NTB không phát sinh doanh thu do không tìm được công việc mới. Công ty này không tạo được nguồn thu chỉ vay mượn để có chi phí duy trì bộ máy làm việc.

Còn trong sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu của công ty âm 3,41 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 72,7 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng cũng được ghi nhận âm xấp xỉ 3,44 tỷ đồng. Lãi vay chi trả trong sáu tháng chiếm 75,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lỗ đến 184,2 tỷ đồng. Tiền mặt mà NTB đang có, tính tới ngày 30/6 là 377 triệu đồng.

Tổng các nghĩa vụ nợ phải trả của công ty tại ngày 30/06 lên đến 3.818 tỉ đồng. Trong đó các khoản chi phí phải trả ngắn hạn là 1.334 tỉ đồng, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.163 tỉ đồng. Do NTB kinh doanh thua thua lỗ liên tục nên lỗ lũy kế chưa phân phối lên đến 1.411 tỉ đồng gây thâm hụt vốn chủ sở hữu là 855 tỉ đồng.

Hội đồng quản trị NTB cho rằng, trước mắt công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng để tái khởi động ba dự án do ngân hàng không hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, phương án tăng vốn không dễ bởi rất khó tìm được đối tác để góp vốn. Vẫn chưa thấy dấu hiệu sáng sủa trong phương án kinh doanh, nhiều cổ đông đã đề cập tới vấn đề phá sản doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing