Top

Người Việt Nam mua nhà ở nước ngoài: Có tiền cũng khó sở hữu

Cập nhật 23/04/2012 09:40

Các quy định của pháp luật Việt Nam về việc chuyển tiền ra nước ngoài hiện rất chặt chẽ. Vì vậy, để hiện thực hoá giấc mơ sở hữu bất động sản ở nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cần tìm hiểu kỹ các quy định liên quan.

Không cấm mua, chỉ cấm chuyển tiền số lượng lớn


Sự kiện doanh nhân Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS) đấu giá mua thành công Thị trấn Buford (Mỹ) với mức giá 900.000 USD đang khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi quan tâm. Trước đó, Savills Việt Nam cũng chào bán 155 căn hộ cao cấp tại Anh cho khách hàng Việt Nam và Công ty cổ phần Liên Minh Nguyễn (NAC Real Estate) công bố trở thành đơn vị tiếp thị và phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam cho Dự án Khu căn hộ Saigon Villas ở Mỹ có giá 250.000 - 400.000 USD do Tập đoàn Bridge Creek làm chủ đầu tư…

Những động thái trên đã khiến không ít người đặt câu hỏi: liệu người Việt Nam có được phép sở hữu nhà ở nước ngoài và họ sẽ mua bất động sản nước ngoài như thế nào?

Câu trả lời là, các quy định của pháp luật Việt Nam không cấm cá nhân người Việt Nam sở hữu bất động sản ở nước ngoài, nhưng các quy định của pháp luật Việt Nam cấm chuyển tiền mặt số lượng lớn ra nước ngoài cho các mục đích cá nhân.

Ông Michael Piro, Tổng giám đốc Vietnam Sotheby’s International Realty cho biết, sau khi một số công ty tổ chức bán bất động sản nước ngoài cho người Việt Nam, đã có nhiều khách hàng quan tâm đến thủ tục mua nhà ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều khách hàng từ bỏ ý định sở hữu nhà, do các quy định của pháp luật Việt Nam hạn chế việc thanh toán tiền ra nước ngoài.

Theo Luật sư Chu Khang (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), hiện pháp luật Việt Nam chỉ cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, trợ cấp cho thân nhân, thừa kế… Ngay trong những trường hợp này, mức tiền được chuyển tương đối hạn chế và cần có đầy đủ giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng (giấy báo học phí, viện phí…) và hiện chưa có cơ chế chuyển tiền đầu tư bất động sản.

Khó “lách luật” chuyển tiền ra nước ngoài

Luật sư Phan Anh Thành (Văn phòng Luật sư Thành & Cộng sự) phân tích thêm, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam chưa “mở” cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mang tiền ra nước ngoài mua nhà. Điều này thể hiện ở chỗ, Pháp lệnh Quản lý ngoại hối 2005 và sửa đổi năm 2011 quy định cho phép cá nhân chuyển tiền cho các hoạt động như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài và các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

“Tuy nhiên, Pháp lệnh chưa có quy định nào xác định chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà thuộc trường hợp ‘chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp’ nêu trên. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ cho phép mỗi cá nhân Việt Nam được mang tối đa 7.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Như vậy, với cách này, thì phải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xuất cảnh mới tích lũy đủ tiền mua nhà. Điều này là không khả thi”, ông Thành nhận xét.

Cũng có lẽ vì vậy, mà chỉ một thời gian ngắn sau khi mở bán nhà ở nước ngoài, các công ty môi giới, tư vấn đã “im hơi lặng tiếng” từ chối cung cấp thông tin về số lượng khách hàng sở hữu bất động sản ở nước ngoài. Và đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa ghi nhận hoạt động chuyển tiền số lượng lớn của cá nhân ra nước ngoài để mua nhà.

Sau khi doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua nhà ở Mỹ, nhiều người cho rằng, có thể việc thanh toán sẽ theo hướng thông qua lập công ty, có dự án đầu tư ở Mỹ, tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp phép, sau đó chuyển giấy phép này qua Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền sang Mỹ rồi dùng tiền đó chi trả cho việc mua nhà.

Tuy vậy, các cá nhân muốn mượn hình thức chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để chuyển tiền mua nhà ở nước ngoài cũng hiểu rằng, hoạt động này luôn bị kiểm soát chặt chẽ. Tổ chức, cá nhân sau khi có giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ được chuyển vốn ra nước ngoài thông qua một tài khoản ngoại tệ duy nhất mở tại một tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối. Tài khoản này phải được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Số tiền chuyển ra nước ngoài phải phù hợp với số vốn đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, và mọi khoản thu được từ hoạt động đầu tư tại nước ngoài phải chuyển về Việt Nam. Do đó, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để mua nhà dưới hình thức chuyển vốn đầu tư hoàn toàn không khả thi.

Các hình thức “lách luật” khác (như lấy thẻ định cư) đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp ở cá phía nước ngoài lẫn Việt Nam và thường mất 3-5 năm mới có thẻ. Còn hình thức chuyển tiền phi chính thức với mức phí 3-4% thì tiềm ẩn nhiều rủi ro và người mua nhà sẽ không chứng minh được nguồn gốc tiền nếu nước bạn có quy định này.

Như vậy, muốn sở hữu bất động sản ở nước ngoài, các cá nhân phải nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đã có nhiều trường hợp khách hàng Việt Nam đặt cọc mua nhà, nhưng không thể thực hiện được các thủ tục khác dẫn đến việc mất trắng tiền đặt cọc.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư