Top

Người vay gói 30.000 tỷ đồng lại nơm nớp lo trả lãi cao

Cập nhật 27/06/2016 15:19

Dù "lệnh" cho ngân hàng tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ nhưng Ngân hàng Nhà nước lại không tái cấp vốn ưu đãi dẫn đến nhiều khách vay phải chịu lãi suất 8-9% một năm để kịp giải ngân theo tiến độ.

Sau những tranh cãi về thời điểm dừng gói 30.000 tỷ, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho người vay mua nhà bằng cách chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân với hợp đồng đã cam kết trước ngày 31/3. Tuy nhiên, chưa kịp thở phào vì tin này, nhiều người mua nhà thu nhập thấp một lần nữa lại nơm nớp khi được thông báo vẫn phải chịu lãi vay thương mại theo thỏa thuận thay vì lãi suất ưu đãi 5%.

Lý do là, công văn nêu phương án xử lý gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước đã được trình Thủ tướng từ cuối tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Do đó, một số ngân hàng dù đồng ý giải ngân nhưng yêu cầu khách phải ký thêm phụ lục hợp đồng với lãi suất cho vay không còn ưu đãi.

Anh Thành (quận Bình Tân, TP HCM) ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 2015, đã giải ngân 10 đợt và còn khoảng 300 triệu đồng chưa thánh toán. Tuy nhiên, đợt giải ngân thứ 11 theo tiến độ của chủ đầu tư rơi vào giữa tháng 6 và anh được BIDV thông báo không thể cho vay tiếp với lãi suất ưu đãi 5% một năm mà cần làm thêm phụ lục hợp đồng với lãi suất thỏa thuận do BIDV chưa nhận được hướng dẫn nào của Ngân hàng Nhà nước.


Người mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng tiếp tục lo lắng. Ảnh: H.H.

Tương tự, đây cũng là vướng mắc của anh Khanh (quận 7, TP HCM) khi còn gần 600 triệu đồng được Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cam kết nhưng chưa kịp giải ngân theo lãi suất ưu đãi. Anh cũng được thông báo trong thời gian chờ ý kiến của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, VietinBank sẽ tiếp tục giải ngân nhưng với lãi suất cố định 7,9% một năm trong năm đầu tiên hoặc 9,19% một năm trong 2 năm đầu.

Hàng loạt khách hàng khác tham gia gói vay 30.000 tỷ tại những nhà băng như Vietcombank, Agribank... cũng đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan này. Nếu không chấp nhận mức lãi do nhà băng đặt ra, họ sẽ đối mặt với việc, hoặc phải nộp phí phạt trả chậm hoặc bị chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua nhà, thậm chí còn bị phạt thêm 20% giá trị hợp đồng.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo các ngân hàng đều thừa nhận đang gặp khó khăn trong phương án hỗ trợ khách vay mua nhà gói 30.000 tỷ đồng. Đại diện một ngân hàng cho biết, dù nhận được văn bản chỉ đạo tiếp tục giải ngân nhưng các ngân hàng thương mại không được tái cấp vốn lãi suất ưu đãi nên không thể cho vay rẻ. Hiện chi phí huy động vốn của họ cũng xấp xỉ hoặc cao hơn mức cho vay ưu đãi 5% của gói 30.000 tỷ.

Giám đốc khối bán lẻ của nhà băng khác cho biết: "Hiện ngân hàng đã nghiên cứu sẽ có lãi suất ưu đãi riêng cho các trường hợp đến hạn giải ngân khi Thủ tướng chưa có quyết định cuối cùng. Chứ nếu thu lãi suất ưu đãi như cũ thì thiệt thòi cho ngân hàng chúng tôi quá. Ngược lại, nếu tính hẳn lãi suất thương mại lại thiệt cho khách hàng".

Cụ thể, như tại VietinBank, ngân hàng này lên phương án ưu đãi lãi suất cố định năm đầu 7,9% một năm cho các khách hàng đang giải ngân dở gói 30.000 tỷ đồng. Còn Vietcombank và BIDV lựa chọn phương án tính lãi suất cho vay tạm thời bằng lãi suất tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng cộng 2% một năm. Như vậy, lãi suất cho vay khoảng 8-9% một năm thay vì 5% một năm.

Về phần mình, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết đây chỉ là phương án thỏa thuận tạm thời, khi Thủ tướng đồng ý phương án đề xuất của cơ quan này, khách hàng sẽ được tính lãi suất ưu đãi trở lại. Trong văn bản trình Thủ tướng vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất nới quy mô gói 30.000 tỷ đồng lên gần 33.000 tỷ đồng để có cơ sở tái cấp vốn cho các nhà băng cho vay ưu đãi.

Chia sẻ với VnExpress, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc các ngân hàng chấp nhận "lùi" một phần lãi suất cho thấy sự chủ động linh hoạt, nhưng nếu kéo dài tiếp tình trạng này sẽ gây nhiều bất ổn cho khách hàng. "Ngân hàng nào còn phải giải ngân nhiều với số lượng khách hàng lớn thì sẽ mệt và có thể họ không làm tiếp", ông nói. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng lưu ý việc trả lại khoản chênh lệch lãi suất (thỏa thuận tạm thời và ưu đãi) mà khách hàng đã ký phụ lục cũng là câu chuyện tranh cãi.

"Nếu giờ tôi đồng ý ký phụ lục với ngân hàng và chấp nhận mức lãi suất thỏa thuận, tôi rất lo lắng sẽ phải trả lãi vay như thế này mãi trong khi còn gần 500 triệu đồng chưa giải ngân. Chưa kể, dù Thủ tướng có chấp nhận nâng gói 30.000 tỷ lên, không rõ khoản tiền tôi phải chịu lãi suất cao này có được trả lại hay không", một khách hàng thắc mắc.

Gói 30.000 tỷ được đưa ra vào đầu năm 2013, giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011. Tuy nhiên, sau 3 năm, gói tín dụng này liên tục phải điều chỉnh từ điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất cho đến các thủ tục xác nhận...

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress