Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Theo đó, dự thảo Thông tư sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số nội dung về sở hữu, phát triển, quản lý sử dụng, giao dịch và quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở về nhà ở.
Sẽ có quy định cụ thể đối với tổ chức, cá nhân là người nước ngoài sở hữu căn hộ tại chung cư (Ảnh minh họa).
|
Huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại
Theo dự thảo, hồ sơ pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại bao gồm: Văn bản đăng ký làm chủ đầu tư của nhà đầu tư; bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có số vốn pháp định theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản; giấy tờ chứng minh năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp thuộc diện chỉ định chủ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất ở hợp pháp.
Việc ký hợp đồng huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Cụ thể: Đối với trường hợp huy động vốn thông qua tiền thuê mua, tiền thuê mua nhà ở trả trước của người mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật Nhà ở thì phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Trường hợp khi chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, sẽ cho thuê mua thì khi thực hiện bán, cho thuê mua đối với nhà ở này mà chủ đầu tư chưa tìm được người mua, thuê mua nhà ở thì trong văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị thông báo đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở, ngoài việc tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phải gửi kèm theo văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp về việc cho phép bán, cho thuê mua nhà ở đã thế chấp, nhưng trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi biên bản thống nhất giữa chủ đầu tư và người mua, thuê mua về việc không phải giải chấp và đồng ý mua, thuê mua nhà ở này cho Sở Xây dựng; trường hợp đã giải chấp thì chủ đầu tư phải gửi giấy tờ chứng minh về việc đã giải chấp nhà ở này cho Sở Xây dựng trước khi ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.
Việc huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại (bao gồm hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh) chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 19 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Hợp đồng huy động vốn có các nội dung: tên và địa chỉ các bên tham gia; hình thức huy động vốn; số lượng vốn cần huy động; các kỳ huy động vốn; phương thức phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu); thời hạn hoàn trả vốn; quyền và nghĩa vụ của hai bên; giải quyết tranh chấp…
Đối với hợp đồng góp vốn để thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Quy định cụ thể số lượng nhà ở được sở hữu
Đối với một tòa nhà chung cư kể cả nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của tòa nhà đó.
Trong trường hợp trên một khu vực mà có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều tòa nhà chung cư thì tại mỗi tòa nhà, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của tòa nhà đó nhưng tối đa không vượt quá 30% số lượng căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư đó. Ví dụ: Trên một khu vực có số dân tương đương 10.000 dân và có 3 tòa nhà chung cư, tòa A có số lượng 1.000 căn, tòa B có 300 căn và tòa C có 500 căn thì tổ chức cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 330 căn tại tòa A, không quá 99 căn của tòa B và không quá 165 căn đối với tòa C, tổng số căn hộ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại cả 3 tòa nhà chung cư này không được vượt quá 600 căn.
Việc xác định số lượng nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà ở liền kề, biệt thự) mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu thực hiện theo quy định: Khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường có 01 dự án và dự án đó có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của dự án này; khu vực mà có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường có 01 dự án và có số nhà ở riêng lẻ của dự án tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không quá 250 căn; khu vực mà có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường có từ hai dự án trở lên và tổng số nhà ở riêng lẻ của các dự án này dưới hoặc bằng 2.500 căn thì tại mỗi dự án, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ tại mỗi dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: