Top

Người mua ép giá, nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ

Cập nhật 12/08/2020 10:38

Theo các môi giới BĐS, vin vào lúc thị trường biến động do dịch bệnh, nhiều khách hàng đã cố “ép” giá để mua.



Dù đã chấp nhận cắt lỗ kì vọng để ra được hàng do cần tiền gấp, anh Th (Q.9) vẫn phải thương lượng đến lần thứ 3-4 với khách mua do khách vẫn cố ép giá xuống. Cuối cùng vì đang cần tiền giải quyết công việc, anh Th đã chấp nhận giảm thêm 60 triệu (so với giá thương lượng ban đầu) để bán được sản phẩm.

Cùng cảnh ngộ, anh T, một NĐT mới vào thị trường do áp lực tài chính (vay ngân hàng) nên rao bán mảnh đất 70m2 tại Q.9 mua cách đây 1 năm với giá gần 3 tỉ đồng/nền. Mặc dù đã gửi nhiều môi giới nhưng không chốt được hàng, anh T chấp nhận cắt lãi 100 triệu để bán ra.

Thế nhưng, sau nhiều lần thương lượng với phía khách đầu tư (do môi giới dẫn) anh tiếp tục bị ép giá xuống. Tính ra đầu tư một năm, tính lãi ngân hàng thì anh T thu về huề vốn ban đầu mua, mất đi cơ hội đầu tư ngần ấy thời gian.

Bên cạnh đó, khá nhiều NĐT thứ cấp hiện nay ôm cùng lúc nhiều BĐS, do áp lực tài chính đã phải bán bớt tài sản. Thế nhưng, để bán nhanh tài sản cũng là việc khá khó khăn ở thời điểm này. Bởi khách đi mua thì ít, chưa kể bị ép giá nên muốn bán nhanh cũng không xong.

Theo một số môi giới BĐS, thị trường BĐS thời gian chững lại một phần vì dịch, phần vì khách hàng trong tâm lý "lưỡng lự" xuống tiền. Hơn nữa, hầu hết khách đi mua đều cố ép giá xuống vì nghĩ những NĐT bán ra thời điểm dịch này là đang cần tiền gấp. Cho nên, ép được xuống bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Theo một nam môi giới BĐS tại Q.9, cái khó của thời điểm này là khách gửi lại thì muốn thu về giá đó, còn về phía khách mua thì liên tục ép giá, việc chốt giao dịch trở nên khó khăn. Bản thân người bán cũng không muốn cắt lỗ, còn người mua dựa cớ dịch thì "làm giá".

Theo các môi giới, sau đợt giãn cách lần 1, nhiều NĐT đi xem BĐS để mua nhưng luôn trong tâm trạng là chờ giá xuống tiếp. Họ đi xem nhiều nhưng việc chốt giao dịch không đáng kể, vừa xem, vừa dò thị trường, vừa cố ép giá để mua được giá tốt. Sau khi dịch tái bùng phát thì tâm lý này càng thể hiện rõ nét hơn.

"Những NĐT có tiền, có kinh nghiệm rất muốn mua BĐS ở thời điểm này nhưng cũng cố ép cho bằng được giá tốt mới chịu mua. Chính vì thế, có những giao dịch phải thương lượng đến 5-6 lần giữa khách mua và người mua", một môi giới cho biết.

Theo ghi nhận, thực tế dịch Covid-19 đã khiến người bán phải chấp nhận cắt lỗ kì vọng nhưng việc giảm giá để bán ra thì khá ít trường hợp. Nhìn chung bối cảnh thị trường lúc này thì khách mua ít còn lượng hàng của NĐT thứ cấp muốn bán ra thì tương đối. Với những NĐT vốn ngắn, dùng đòn bẩy tài chính, nhiều người chấp nhận bị "ép giá" để ra được hàng, thu dòng tiền. Tuy nhiên, theo môi giới số lượng này cũng không nhiều, không đại diện cho số đông trên thị trường.

Theo một số chuyên gia, tâm lý dè chừng cẩn trọng đang khiến thị trường chậm giao dịch. Với những NĐT có dòng vốn tốt họ vẫn âm thầm tìm mua BĐS giá tốt, chờ cơ hội sau này. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thị trường BĐS còn nhiều cơ hội phía trước.

Trong bối cảnh như hiện nay hầu hết các chuyên gia trong ngành đều đưa lời khuyên, người mua nên đầu tư trung và dài hạn, việc lướt sóng là rất khó ở thời điểm này, lại càng khó hơn nếu lướt sóng mà dùng đòn bẩy tài chính.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ