Top

Người dân mua bất động sản lo mất tiền oan

Cập nhật 07/03/2013 16:45

Với quy định không cần công chứng hợp đồng, chẳng ai dại gì bỏ cả tỷ đồng để mua nhà đất khi chúng vẫn đang đứng tên ngươi khác.

Trao đổi với ĐTCK về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, nhiều người dân vẫn tỏ ra băn khăn với việc bỏ quy định công chứng tại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Công chứng hiện góp phần xác thực các yếu tố của hợp đồng

Bất đồng công chứng viên - luật sư

Các luật sư khi bình luận về quy định mới này đều bày tỏ sự ủng hộ bởi theo họ, việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là những quan hệ dân sự. Và khi đã xác định đây là quan hệ dân sự thì nguyên tắc cơ bản là phải dựa trên nhu cầu và sự tự nguyện của các bên.

Dẫn chiếu ví dụ tại một số nước khi chuyển nhượng đất chỉ cần có hợp đồng và chữ ký của hai bên mà không cần có xác nhận của chính quyền. Tuy nhiên, các luật sư cũng cho rằng, những quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến vấn đề này còn quá rườm rà và phức tạp, nên khi người dân muốn tiến hành giao dịch đúng pháp luật thì cần tìm đến luật sư để tư vấn và hỗ trợ pháp lý. “Luật không nên ‘hành chính hóa’ các quan hệ dân sự mà hãy để cho người dân tự lựa chọn”, nhiều luật sư nói.

Không đồng tình với quan điểm trên, các công chứng viên lại cho rằng, bản chất của hành vi công chứng là việc công chứng viên xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản, bao gồm các việc kiểm tra và chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng giao dịch là có thật, chữ ký trong hợp đồng giao dịch là đúng…

Trong khi đó, theo quy định thì các cơ quan cấp giấy có thể kiểm tra hồ sơ nhưng họ không thể kiểm tra các yếu tố khác của giao dịch như người giao dịch có đúng là người có tên trên giấy, có đủ năng lực hành vi dân sự, có tự nguyện tham gia giao dịch... hay không.

Phân tích nguyên nhân mà Ban soạn thảo đưa ra, là do đã có cơ quan đăng ký nhà đất quản lý nên không cần công chứng để cải cách hành chính, các công chứng viên khẳng định, công chứng và đăng ký là hai khâu có vai trò hoàn toàn khác nhau. Cơ quan đăng ký chỉ kiểm tra hồ sơ đủ thủ tục theo quy định rồi tiến hành đăng ký vào giấy chứng nhận, còn ý chí giữa các bên tham gia hợp đồng có phù hợp pháp luật hay không thì cơ quan này không làm mà là việc của công chứng. Vì vậy, không thể bỏ công chứng trong quy định của luật được.

Người dân sợ mất tiền oan

Đó là bình luận của giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội. Từ trước đến nay, theo phản ánh của vị giám đốc này, hầu hết các giao dịch mua bán nhà đất đều thông qua hợp đồng mua bán có công chứng. Điều này giúp cho giao dịch diễn ra nhanh chóng vì chỉ cần mất vài giờ đồng hồ là công chứng xong hợp đồng, hai bên có thể trao tiền, nhận nhà đất rồi sau đó mới tiến hành thủ tục sang tên “sổ đỏ”.

Nay với quy định không cần công chứng hợp đồng, chẳng ai dại gì bỏ cả tỷ đồng để mua nhà đất khi chúng vẫn đang đứng tên ngươi khác. Và để giao dịch thành công, bên mua sẽ chỉ đặt cọc rồi yêu cầu bên bán phải tiến hành sang tên chính chủ mới trả hết tiền. Ngược lại, bên bán cũng rất lo sợ khi đã sang tên rồi mà bên mua từ chối thì giải quyết ra sao. Lo sợ giữa bên mua và bên bán sẽ khiến cho giao dịch bất động sản khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường đang “đóng băng” như hiện nay.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm có liên quan đến làm giả giấy tờ, tài liệu về quyền sở hữu nhà đất để lừa đảo có dấu hiệu gia tăng. Hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi, trình độ am hiểu pháp luật của người dân còn rất hạn chế. Vì vậy, vị giám đốc này cho rằng, qua hoạt động nghiệp vụ của mình, cơ quan công chứng sẽ phát hiện, giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời các đối tượng phạm tội, đồng thời cảnh báo, tư vấn giúp người dân không bị mắc lừa.

“Theo tôi, đồng thời với việc cải cách thủ tục hành chính thì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong các giao dịch, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp, giảm áp lực cho cơ quan tòa án, thông qua đó giúp bảo đảm trật tự, an toàn pháp lý cho toàn xã hội là vô cùng quan trọng”, vị giám đốc trên nói và kiến nghị chưa nên bỏ quy định công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trong thời điểm này.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán