Hoạt động của không ít doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, “người anh em” của ngành bất động sản là các doanh nghiệp xây lắp vẫn chìm đắm trong khó khăn.
Mới đây, một số doanh nghiệp bất động sản đã tiết lộ thông tin về kết quả kinh doanh những tháng đầu năm. Theo đó, nếu so với năm 2013, thì hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này có vẻ đã bắt đầu “dễ thở” hơn.
Theo kết quả kinh doanh quý I của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (mã LGL), lợi nhuận sau thuế quý đầu năm đạt mức 7,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 0,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Sự khởi sắc của Long Giang trong quý I đã phần nào mở ra hy vọng cho các nhà đầu tư, song khó khăn của Long Giang chưa phải đã hết, bởi cho đến hết quý I/2014, lỗ lũy kế của Công ty vẫn ở mức 20,6 tỷ đồng.
Nhìn vào tình hình của các công ty bất động sản và động thái chung trên thị trường, giới quan sát cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, ngành bất động sản đã thực sự đi qua “điểm trũng” - giai đoạn khó khăn nhất - và hiện tại, dù vẫn trong giai đoạn cầm chừng, nhưng một số doanh nghiệp đã cắt giảm đáng kể chi phí và nhờ đó đã nhúc nhắc có lãi.
Công ty cổ phần Đầu tư nhà Khang Điền (mã KDH, sàn HOSE) là một ví dụ. Trong quý I/2014, Khang Điền đã đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ở mức 10,29 tỷ đồng, tăng 20,45% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy lãi tăng đáng kể, nhưng hoạt động của Công ty vẫn khá dè dặt. Doanh thu thuần của Nhà Khang Điền trong quý I/2014 chỉ đạt 79,56 tỷ đồng, giảm tới 34,15% so với cùng kỳ năm 2013. Việc công ty có được lợi nhuận tốt hơn năm trước chủ yếu nhờ tiết giảm khá mạnh các khoản chi phí, như chi phí quản lý, chi phí tài chính…
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, ngành bất động sản sẽ có nhiều cơ hội sau giai đoạn khủng hoảng. Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, bất động sản là một trong những ngành sẽ có nhiều cơ hội cho tăng trưởng, do vừa trải qua quá trình tái cơ cấu và đang dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Mặc dù nhóm doanh nghiệp bất động sản đang bắt đầu hé lộ những điểm sáng trong quý I/2014, thì bạn đồng hành là nhóm cổ phiếu xây lắp vẫn còn khó khăn.
Quý I/2014, Công ty cổ phần Someco Sông Đà (mã MEC, sàn HNX) chỉ đạt doanh thu gần 19,7 tỷ đồng, giảm tới 46,77% so với cùng kỳ năm 2013. Theo giải thích của Công ty, doanh thu quý đầu năm 2014 giảm do một số công trình chưa hoàn thành, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận hoạt động.
Trước tình hình khó khăn chung, trong thời gian qua, Someco Sông Đà đã thực hiện thoái vốn tại một số công ty mà Someco có góp vốn để bảo toàn vốn và giảm áp lực về vốn. Bên cạnh đó, Someco đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng một số dự án khó khăn về vốn.
Theo ông Kim Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Someco Sông Đà, Công ty vẫn đang chịu áp lực lớn về tiền vay ngân hàng và một nhiệm vụ quan trọng của Someco trong thời gian tới là phải tìm mọi cách để không để xảy ra nợ quá hạn. Ngoài ra, Công ty sẽ vẫn đang phải tìm cách đàm phán với cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội để xử lý các khoản nợ đến hạn. Ngay cả “đại gia” ngành xây dựng là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG, sàn HNX) cũng vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Trong quý I/2014, Vinaconex đạt tổng doanh thu 1.558 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đã bị âm 10 tỷ đồng trong quý đầu năm 2014, trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty này vẫn có được mức lợi nhuận 72,9 tỷ đồng. Theo Vinaconex, nguyên nhân lỗ trong quý I của Công ty là do kết quả kinh doanh trong kỳ của các công ty thành viên thấp.
Giới phân tích cho rằng, nhóm ngành xây lắp thường có độ trễ so với bất động sản. Theo đó, ngay cả khi bất động sản khởi sắc, thì cũng phải sau đó một khoảng thời gian, hoạt động xây lắp mới có thể nhộn nhịp trở lại.
DiaOcnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: