Vốn được coi là nghề “thời thượng”, nhưng năm nay, nhiều nhân viên bất động sản không thể hưởng trọn niềm vui bên gia đình vì nỗi lo sẽ được nghỉ Tết dài hạn.
Đón Tết bằng…nỗi lo thất nghiệp
Lương bị cắt giảm, không thưởng Tết là thực trạng đã diễn ra tại nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng điều khiến cho nhiều nhân viên làm trong lĩnh vực này lo ngay ngáy là: ra Tết, liệu có mất việc.
Anh Dũng, nhân viên tư vấn một sàn giao dịch bất động sản trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, năm nay do thị trường đi xuống, sàn của công ty anh cũng vì thế nhận được rất ít các hợp đồng bán dự án.
“Ngay từ hồi tháng 10 năm ngoái, công ty tôi đã cắt giảm 1/3 số nhân viên bán hàng vì không có việc để làm. Những nhân viên còn lại cũng chỉ làm hết tháng 12, vừa nghỉ Tết dương lịch lẫn Tết âm lịch luôn”, anh Dũng cho biết.
Cũng theo anh Dũng, đến nay (ngày mùng 7 Tết âm lịch) nhưng công ty vẫn chưa có lịch đi làm cụ thể.
"Năm nay thị trường bất động sản vẫn rất khó khăn và chưa có tín hiệu nào khả quan. Hiện nay, nhiều sàn bất động sản cũng đã đóng cửa, ngừng hoạt động. Vì vậy, không biết công ty tôi có kế hoạch thế nào nữa”, anh Dũng chia sẻ.
Giống như anh Dũng, chị Giang, cũng làm cho một sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội cũng đang mất ăn, mất ngủ vì chưa biết công việc trong năm Rồng này sẽ thế nào.
Theo lịch nghỉ Tết của công ty chị Giang, ngày mùng 8 âm lịch mọi nhân viên sẽ đến cơ quan làm việc ngày đầu tiên, nhưng chủ yếu là chúc Tết và khai trương lấy ngày đẹp. Sau đó, do đầu năm, công việc ít, nên chỉ có 1, 2 nhân viên lễ tân phải đến cơ quan để trực, còn các nhân viên bán hàng lại tiếp tục nghỉ Tết dài dài.
Ảnh minh họa
May mắn hơn anh Dũng, chị Giang, công ty anh Hưng làm việc là một công ty lớn, nên vẫn nhận được các hợp đồng bán dự án. Tuy nhiên, do việc kinh doanh không thuận lợi như trước nữa, nên ngày đầu năm đến cơ quan, ngoài việc chúc Tết, ban lãnh đạo công ty sẽ họp để cơ cấu lại nhân sự. Được biết, mỗi phòng ban sẽ cắt giảm ít nhất 2 - 3 người.
“Chưa năm nào ăn Tết lại lo lắng như năm nay. Kinh tế đang khó khăn, nên nếu tôi nằm trong danh sách tinh giảm nhân sự thì chưa biết làm việc gì”, anh Hưng tâm sự.
Không chỉ các nhân viên làm dịch vụ lo mất việc làm, mà nhiều công nhân, kỹ sư xây dựng cũng đang chung một nỗi lo.
Anh Chiến, kỹ sư xây dựng, hiện đang thi công một công trình chung cư tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết, công ty anh hiện vẫn đang tạm ổn vì nhà đầu tư buộc phải rót tiền để thi công cho xong các công trình đang làm dở. Tuy vậy, công ty cũng giảm số kỹ sư đứng thi công tại mỗi công trình để giảm chi phí.
“Giờ các công ty xây dựng rất ít tuyển dụng mới, chủ yếu cố gắng sử dụng tối đa nguồn nhân lực đã có. Nhiều công ty thiếu hợp đồng thi công cũng đã phải cắt giảm lương của nhân viên. Có vẻ thời gian tới mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn”, anh Chiến cho biết.
Cũng theo anh Chiến, cuối tháng 1 này, công ty anh đã có thông báo cho nghỉ một số người ở các bộ phận hành chính, kế toán, để tập trung nhân lực thực hiện các dự án đang dang dở.
Tiến thoái lưỡng nan
Vốn được coi là ngành “thời thượng”, ngành hái ra tiền cách đây 2 – 3 năm. Vì vậy, không ít người dù đã có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập khá, nhưng cũng vẫn sẵn sàng chuyển sang làm bất động sản như một nghề tay ngang.
Bắt đầu làm nghề môi giới bất động sản từ năm 2009, anh Linh, kỹ sư cơ khí từng tự hào với quyết định chuyển nghề của mình, vì so với thu nhập của một kỹ sư cơ khí, thì làm nhân viên bất động sản, có tháng số tiền kiếm được cao gấp cả gần chục lần.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, khi thị trường bất động sản đi xuống, không có khách mua, nên doanh thu bán hàng của anh Linh giảm mạnh, hầu hết các tháng đều không đạt chỉ tiêu. Vì vậy, không chỉ bị cắt giảm lương, anh Linh còn đối mặt với nguy cơ mất việc làm.
“Giờ tôi muốn tìm việc khác cũng khó, quay về nghề cũ, làm kỹ sư cơ khí cũng không dễ vì kiến thức chuyên ngành rơi rụng đi nhiều. Hơn nữa, tình hình kinh tế khó khăn chung, doanh nghiệp nào giờ cũng cắt giảm nhân sự, nên mong muốn tìm được một công việc lúc này là rất khó khăn”, anh Linh cho biết.
Dù vậy, so với nhiều đồng nghiệp khác, anh Linh vẫn còn khá may mắn vì anh chỉ đơn thuần làm môi giới.
Một nhân viên tư vấn bất động sản tên Tuấn cho biết, anh đang phải nợ nần chồng chất vì chót ôm 2 căn chung cư từ giữa năm 2010. Lúc đó, thấy giá chủ đầu tư đưa ra khá ổn, nên anh quyết định mua luôn 2 căn chung cư với giá hơn 3 tỷ đồng.
“Tôi làm môi giới bất động sản, nghĩ rằng việc bán lại 2 căn chung cư này không phải quá khó. Ai ngờ, thị trường xấu quá, giờ bán rẻ thì lỗ nặng, chờ tiếp thì lấy tiền đâu để trả họ hàng, người quen”, anh Tuấn than thở.
Trong khi đó, tiền lương hiện tại của anh lại quá thấp, tháng nào cũng bị trừ đi phân nửa do không đạt định mức.
“Lúc trước, công ty trả cố định 8 triệu đồng/ tháng. Nhưng muốn nhận đủ lương thì tổng phí giao dịch nhận được từ khách hàng là nhà đầu tư phải đạt 35 triệu đồng. Với phí giao dịch từ 0,15-0,2% trên lượng tiền giao dịch thì muốn kiếm được 35 triệu, số tiền giao dịch của nhà đầu tư phải xấp xỉ 20 tỉ. Nếu dưới mức đó 3 tháng liền sẽ bị trừ 30% lương. Lúc thị trường đang tốt còn chẳng dễ ăn chút nào, huống gì trong tình cảnh khách hàng lưa thưa và nhỏ lẻ hiện nay”, anh Tuấn cho biết.
Dù bị cắt giảm lương trầm trọng, nhưng xem ra với nhiều nhân viên bất động sản, thì có việc làm vẫn còn hơn không, vì việc tìm kiếm một công việc mới phù hợp là không hề dễ dàng.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: