Top

Sửa Luật Đất đai: Giảm nguy cơ bất ổn xã hội

Cập nhật 04/02/2012 08:40

Theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ, thời hạn giao đất 20 năm cho các chủ trang trại trong cả nước sẽ đồng loạt hết hiệu lực vào ngày 15-10-2013 tới. Việc này có thể sẽ dẫn đến tình trạng một bộ phận nông dân bị mất đất, không có việc làm, đứng trước nguy cơ lâm vào cảnh bần cùng.

Vì sao người dân lo lắng?


Liên quan đến vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan cử đoàn công tác đến xã Vinh Quang và TP Hải Phòng.


Đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

 Sau khi đoàn công tác của Bộ NN&PTNT nắm lại toàn bộ tình hình, thu thập thông tin khách quan, độc lập từ phía người dân và các cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT sẽ có ý kiến chính thức. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, để làm rõ đúng sai đối với vụ việc ở xã Vinh Quang (Hải Phòng), đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến quy trình giao đất, thu hồi đất, đền bù thiệt hại, việc quản lý bãi bồi ven biển… thì trách nhiệm chính thuộc Bộ TN-MT. Hiện, ông Lê Văn Lịch - Chánh Thanh tra Tổng cục Đất đai Bộ TN-MT đã làm việc với UBND và Sở TN-MT Hải Phòng về các vấn đề nêu trên. Bộ NN&PTNT chỉ tham gia trong các lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng, tài sản là nông sản, vật nuôi... nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Như vậy, sẽ phải chờ một thời gian nữa, cơ quan chức năng mới có thể công bố rõ "đúng, sai" trong sự việc này. Song, sau vụ việc ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), điều đáng lo ngại là theo Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 64 CP (quy định việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài), thời hạn giao đất nông nghiệp cho các chủ trang trại trong cả nước sẽ đồng loạt hết hiệu lực vào ngày 15-10-2013.

Ngày phải chấm dứt canh tác không còn bao xa nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn gì nên người dân hoang mang lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay, ngoài trường hợp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), có gần 100 chủ trang trại nuôi trồng thủy sản khác trên địa bàn huyện Tiên Lãng đang phấp phỏng nỗi lo sắp bị thu hồi đất. Không ít chủ đầm tôm, cua, cá ở các tỉnh, thành phố khác cũng đang tự đặt câu hỏi sau khi thu hồi vì hết hiệu lực giao đất thì có tiếp tục được giao đất để sản xuất nữa không, tài sản đã đầu tư có được đền bù?

Nếu đúng là việc này xảy ra theo hướng bất lợi cho dân thì sẽ dẫn đến một bộ phận bà con bị mất đất, không có việc làm, có thể lâm vào cảnh bần cùng. Mặt khác, sẽ có một bộ phận không nhỏ người đang sử dụng đất được giao có thời hạn bán tống bán tháo đất đã được giao bằng giấy viết tay, do tâm lý lo sợ khi hết hạn sử dụng Nhà nước sẽ không cho gia hạn. Và rất có thể mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân sẽ lại xảy ra nếu chính quyền chỉ lo thực hiện thu hồi đất nông nghiệp khi kết thúc thời hạn giao đất mà trước đó không gặp gỡ, đối thoại với dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề này.

Nếu có nhu cầu giữ đất - Nhà nước không cấm

Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Hải Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo ông Nguyễn Hải Nam, các văn bản pháp luật hiện hành đã quy định rõ, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì vẫn được ưu tiên giao lại. Áp dụng Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64 CP, thời hạn giao đất đối với đất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm, đất trồng cây lâu năm là 50 năm tính từ ngày giao đất đối với trường hợp đất được giao sau ngày 15-10-1993. Còn trường hợp đất được giao từ ngày 15-10-1993 trở về trước thì thời hạn giao được tính từ ngày 15-10-1993. Đến Luật Đất đai 2003 (tức Luật Đất đai hiện hành) thời hạn giao đất nói trên tiếp tục duy trì, cụ thể tại khoản 1 điều 67.

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2003 cũng quy định thu hồi đất trong các trường hợp người dân tự nguyện trả lại đất hoặc có những hành vi vi phạm Luật Đất đai. Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước mới lấy đất trước thời hạn này để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại. Như vậy, chỉ những chủ trang trại có đất không còn phù hợp quy hoạch sử dụng đất mới phải "trả" đất.

Dẫu vậy, các quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn có chỗ chưa rõ ràng chồng chéo, có nhiều văn bản hướng dẫn sử dụng đất mâu thuẫn với chính Luật Đất đai. Lợi dụng quy định luật cho phép thu hồi đất vì các lợi ích quốc gia, mục đích quốc phòng an ninh nên chính quyền nhiều nơi đã "vin" vào đó để ra quyết định thu hồi hàng loạt khu đất cho các dự án kinh tế "treo". Việc này diễn ra ở nhiều nơi và đang gây khiếu kiện kéo dài.

Quay trở lại sự kiện ở xã Vinh Quang - Hải Phòng, luật sư Nguyễn Hải Nam cho rằng, trường hợp địa phương muốn cắt hợp đồng của các hộ dân đã được giao đất thì phải tính toán như một hợp đồng giao đất và phải bồi thường những tài sản trên đất của họ. Không thể có chuyện, người dân đổ bao công sức khẩn hoang, chinh phục thiên nhiên, lấn biển để đầu tư biến vùng bãi hoang thành đầm nuôi thủy sản, giờ tuyên bố thu trắng, không bồi thường. Đặc biệt, không hiểu vì nguyên cớ gì, pháp luật về đất đai quy định rõ đối với đất nuôi trồng thủy sản phải giao 20 năm nhưng trong các quyết định giao đất, UBND huyện Tiên Lãng chỉ giao với thời hạn sử dụng dưới 20 năm?

Vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã gióng lên hồi chuông thúc giục cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN-MT cần sớm làm rõ nhiều điều chưa minh bạch. Từ đó, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai theo hướng chi tiết hơn nữa nhằm kịp điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn và nên hoàn thành sớm trước ngày 15-10-2013 để giải quyết vấn đề nóng bỏng hiện nay là chia lại ruộng đất như thế nào, giúp người nông dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất cũng như tránh các hậu quả bất ổn về kinh tế - xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới