Top

Ngành bất động sản: Lát cắt nhỏ từ miếng bánh lớn

Cập nhật 03/12/2014 14:26

Tháng 7 bắt đầu đánh dấu những biến chuyển tích cực trong khung luật pháp dành cho lĩnh vực đất đai - thị trường nhà bằng Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực. Đến nay, Quốc hội cùng các bộ, ban ngành đã “chốt” xong những chế định nhằm chuẩn chỉ công tác quản lý, phát triển nền địa ốc nước nhà. Nhìn bao quát, mới hay ngành BĐS vẫn hấp dẫn lắm.

Tháng 11 mang lại “vận đen” cho không ít chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Hà Nội. Danh sách dính “chàm” liên quan tới “phí bôi trơn” làm sổ đỏ được khai bút bằng dự án chung cư Euroland (quận Hà Đông) do Công ty TSQ Việt Nam tạo lập, kinh doanh.

Phần nổi tảng băng

Sự biến TSQ lập tức trở thành đề tài thời sự của giới thạo tin lẫn cộng đồng cư dân quần thể cao tầng ở Thủ đô. Cung cấp thông tin cho báo chí, rốt ráo tìm gặp và “truy” trách nhiệm chủ đầu tư, rồng rắn tìm tới trụ sở Thành ủy để “kêu oan” trực tiếp với Bí thư Thành ủy với đầy đủ hồ sơ, chứng cứ (hợp đồng mua bán - PV), đó là diễn biến từ tập thể hơn 700 hộ dân TSQ.

Đáp lại, từ chỗ phủ nhận bằng biện giải “thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết”, Tổng Giám đốc Công ty TSQ đã phải nhờ đến Công ty Luật hợp danh Hồng Bách để cùng “chữa cháy”.

Như một cách… hợp thức hóa, số tiền 7 triệu đồng để làm sổ đỏ cho cư dân tạm hiểu bao gồm cả chi phí đo đạc, các loại phí nộp cho cơ quan Nhà nước và đáng nói nhất: 3,3 triệu đồng đã giúp người dân chỉ việc nộp CMTND, hộ khẩu và người của chủ đầu tư sẽ đi làm sổ.

Đồng thời, 3,3 triệu đồng được coi là chi phí xử lý tranh chấp phát sinh liên quan tới làm sổ đỏ của TSQ. Có lẽ trước bức xúc có cơ sở của người dân, cộng thêm sự “ngắc ngứ” của lãnh đạo TSQ trước truyền thông, Sở TN&MT Hà Nội đã vào cuộc thanh tra.

Chưa biết lình xình ở Euroland sẽ ngã ngũ ra sao (còn chờ kết quả thanh tra của Sở), thì lại tới chuyện Hapulico Complex và 2 chung cư ở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) bị Thanh tra Tp.Hà Nội tuyên bố chuyển hồ sơ để cơ quan công an điều tra.

Sẽ hành xử ra sao với những trường hợp đã nộp phí và được nhận sổ?

Sai phạm vẫn xoay quanh việc chủ đầu tư bắt người dân nộp phí để “làm sổ đỏ cho nhanh”. 8 triệu đồng/hồ sơ (tại chung cư CT5B Mễ Trì) và 5 triệu đồng/hồ sơ (ở Hapulico Complex) là con số được cho là “phí bôi trơn” sổ đỏ ở các dự án này.

Thông tin thống kê từ Thanh tra Hà Nội cho thấy trên giấy trắng mực đen (phiếu điều tra) chỉ có chưa tới 2% hộ dân xác nhận chủ đầu tư thực hiện hành vi này. Trong khi đối thoại, đa phần đều khẳng định có và nhận được sổ “nhanh hơn” các hộ cùng làm thủ tục (nhưng không đóng tiền? - PV)…

Còn phần chìm…?

Ở TSQ, Hapulico, hay Mễ Trì, dù với tên gọi là “phí bôi trơn” hay phí để “làm nhanh sổ đỏ”, thì đều có “lỗi” của chủ hộ. Biết “sai”, nhưng vẫn làm, vẫn đặt bút ký hợp đồng. Chủ đầu tư thông báo công khai thu tiền làm sổ đỏ tới vài triệu đồng, vô lý đấy, nhưng cuối cùng phản ứng của người nộp lại là “nhanh hơn cac hộ khác cùng làm thủ tục”.

Nhìn… chủ quan, nếu không vì tấm bìa đỏ được cấp nhanh hơn - chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, chẳng ai dại gì đặt bút ký. 5 triệu, 7 triệu, có khi cao hơn, dân vẫn “gật đầu”. Vì một lẽ, ám ảnh về “núi” sổ đỏ các căn hộ chung cư đi vào sử dụng ở Hà Nội nhiều năm qua vẫn còn treo lơ lửng đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người.

Nghi án “phí bôi trơn” ở 3 trường hợp dự án vừa qua sẽ được bóc tách chi tiết về trách nhiệm, sai phạm (nếu có) của các bên liên quan, cư dân sở tại mong chờ điều này từ phía cơ quan chức năng.

Đồng quy tạm “phí bôi trơn” làm sổ trên mỗi hồ sơ là 5 triệu đồng, chủ đầu tư sẽ thu về khoảng 700 x 5 = 3,5 tỷ đồng (trường hợp Euroland). Trừ đi các khoản chính thống (đóng cho cơ quan cấp sổ, đo đạc, in ấn tài liệu…) và dịch vụ (trả công cho nhân viên đứng xếp hàng cả buổi - lý giải của Tổng Giám đốc TSQ Việt Nam), khoản lợi tài chính còn lại chắc chỉ vừa đủ mua 1 căn hộ trung cấp hiện nay. Đứng ở bài toán kinh tế, rõ ràng chi phí rủi ro đã vượt xa giá trị lợi nhuận mang lại (bán hàng) cho DN.

Chia sẻ với người viết, một nhà báo - xin giau tên, chuyên “đọc sức khỏe” của DN BĐS bình luận, sự tình tranh chấp, tố cáo như trên chỉ là phần “váng mỡ” nổi trên bát canh thượng hạng mà giới chủ đầu tư nhà đất đang thưởng thức.

Nhìn rộng hơn, nếu số tiền bôi trơn được xác định là đúng và hành vi của DN là sai phạm, vậy cơ quan quản lý sẽ hành xử ra sao với những trường hợp đã nộp khoản phí này và được nhận sổ?

Còn nữa, đối chiếu số liệu ở Phòng TN&MT cấp quận, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở, còn tới 326 hồ sơ ở Hapulico bị chậm giải quyết. Nếu số hồ sơ này trùng với những hộ không “chịu” nộp phí thì sự tình càng… rối rắm.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh