Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần đưa ra quy định để chống rửa tiền đối với cá nhân, tổ chức có nguồn thu nhập bất chính để tuồn ra nước ngoài.
Dự thảo mới quy định chỉ các doanh nghiệp mới được đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Ảnh: QUANG HUY
Mới đây, Bộ KH&ĐT đã đưa ra dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn cá nhân đầu tư bất động sản (BĐS) tại nước ngoài để mua quốc tịch và để chống rửa tiền, tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên cấm mà cần có giải pháp quản lý kiểm soát được nguồn thu nhập và cần có quy định rõ ràng đối với những trường hợp đầu tư chính đáng, mang lại lợi ích cho quốc gia
Cấm vẫn lách
Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định số 83/2015 quy định về đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, quy định đáng chú ý là đối với việc kinh doanh BĐS, điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ các doanh nghiệp mới được đầu tư BĐS tại nước ngoài, cá nhân sẽ không được đầu tư kinh doanh BĐS tại nước ngoài. Theo Bộ KH&ĐT, quy định này nhằm tránh tình trạng cá nhân mua BĐS để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN; người chưa thành niên, người bị hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các trường hợp khác theo quy định Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bộ KH&ĐT lý giải việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với pháp luật về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội. Đồng thời, quy định hạn chế các cá nhân lợi dụng đầu tư ra nước ngoài để tẩu tán tài sản.
Nên kiểm soát bằng quy định rõ ràng
Đang làm những thủ tục để mua một BĐS tại nước ngoài cho con của mình, ông Nguyễn Văn Đức (quận 7, TP.HCM) cho biết dự thảo đưa ra ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhiều người. Theo ông Đức, những người muốn định cư, nhập quốc tịch nước ngoài là điều bình thường miễn nguồn tiền đó hợp pháp, cá nhân đóng thuế đầy đủ.
Ông Đức cho rằng việc cấm đầu tư kinh doanh BĐS ở nước ngoài gây khó khăn cho những cá nhân làm đúng pháp luật, còn những cá nhân muốn lách luật thì khó “nắm tóc”. Bởi những cá nhân này có thể để đầu tư kinh doanh BĐS ở nước ngoài bằng việc thành lập một công ty rồi mua nhà đất, hơn nữa việc thành lập doanh nghiệp nước ngoài rất dễ dàng.
Việt Nam đầu tư hơn 330 triệu USD ra nước ngoài
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong tám tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 330 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 86 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 219 triệu USD (tăng 21% so với cùng kỳ) và 25 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng gần 112 triệu USD (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái).
TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cho rằng hiện nay Việt Nam đã gia nhập WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên trước khi đưa ra quy định cấm cá nhân mua BĐS ở nước ngoài thì cần xem xét quy định này có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không. Trong khi, hiện nay nước ta đang mở cửa cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thì trong trường hợp nếu Việt Nam cấm cá nhân đầu tư ở nước ngoài thì các nước cũng có thể cấm cá nhân nước họ đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Nhân, nếu họ đầu tư những gì mà Nhà nước không cấm, không đầu tư những gì trái phép thì không thể cấm được. Hơn nữa, hiện nay cá nhân muốn chuyển tiền ra nước ngoài có rất nhiều hình thức, thậm chí rất dễ dàng như lập tài khoản ngân hàng quốc tế, có thể sang Mỹ du lịch và sử dụng thẻ ngân hàng này để thanh toán, chi tiêu.
“Ví dụ, con cái của họ đi du học và định cư bên đó thì họ chuyển tiền ra nước ngoài cho con cái họ mua nhà là chuyện bình thường, không thể cấm. Hay cá nhân đó họ lập công ty ở nước ngoài, sau đó họ mua nhà cũng không thể cấm được. Vấn đề ở đây, nguồn tiền của họ là hợp pháp, họ có quyền đầu tư những gì pháp luật không cấm” - TS Nhân nói.
Theo TS Nhân, mục đích của cơ quan quản lý là đưa ra quy định để chống rửa tiền đối với cá nhân, tổ chức có nguồn thu nhập bất chính để tuồn ra nước ngoài. Vì vậy, cần phải có quy định chặt chẽ vấn đề này là đúng nhằm chống “chảy máu” ngoại tệ, cấm vì dòng tiền này không hợp pháp, ngăn chặn tội phạm tiền tệ.
“Chúng ta đã lo tìm giải pháp cho phần “ngọn” mà quên phần “gốc”. Để chống rửa tiền, dòng tiền bất hợp pháp thì Việt Nam phải quản lý được thu nhập, dòng tiền. Và để làm được điều đó thì tất cả giao dịch đều phải không dùng tiền mặt, tài khoản dòng tiền ở các ngân hàng đều phải minh bạch, kiểm soát được” - TS Nhân phân tích.
Chống chuyển ngoại tệ để mua nhà đất là cần thiết
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quy định chống “chảy máu” ngoại tệ ra nước ngoài, nhất là chuyển ngoại tệ để mua nhà đất là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết nếu trường hợp các doanh nghiệp Việt mua BĐS tại nước ngoài là để triển khai các dự án kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, cơ sở thương mại thì nên khuyến khích. Do vậy, cần đưa ra các quy định để nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phép đầu tư vào những loại hình BĐS nào ở nước ngoài.
“Tất cả loại hình kinh doanh bên ngoài mà đem lại ngoại tệ cho đất nước, đem thương hiệu Việt Nam ra thế giới nên khuyến khích. Còn những loại không phải kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay cá nhân đều không nên” - ông Hiếu nói.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: