Top

1.700 doanh nghiệp xây dựng và bất động sản 'chết đứng'

Cập nhật 01/10/2020 10:05

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội do Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy có tới 1.700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể.



Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020 do Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy có 696 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể.

Liên quan đến tình hình đăng ký doanh nghiệp, Tổng cục thống kê cho biết, trong 9 tháng qua số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 27.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%.

Đáng chú ý là có gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%. Trong đó có 10.700 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,4%; 192 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 15,7%.

Xét trong nhóm doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể nhận thấy đối tượng doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 4.700 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.333 doanh nghiệp. Lĩnh vực xây dựng có 1.008 doanh nghiệp và kinh doanh bất động sản có 696 doanh nghiệp cũng đã hoàn tất thủ tục giải thể.

Đối với dịch vụ lưu trú và ăn uống có 650 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh; lĩnh vực vận tải, kho bãi có tới 485 doanh nghiệp chịu chung số phận.

Tính chung trong 9 tháng, trên cả nước còn có 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 19,7 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã đạt mức tăng là 65,9%.

Theo Tổng cục thống kê, Kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO