Để giải quyết cho người đi vay gói 30.000 tỷ, ngân hàng phải tăng cường nhân viên và thậm chí làm đến 21 giờ tối để hoàn thành thủ tục cho những khách hàng cuối cùng trước ngày dừng ký hợp đồng tín dụng mới (31/3).
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu ngừng ký hợp đồng tín dụng vay mới gói 30.000 tỷ kể từ ngày 31/3 khiến cả ngân hàng và người vay chạy dốc ruột gan nhằm ký xong hợp đồng trước hạn chót.
Quá đột ngột
Văn bản của NHNN cho hay, qua theo dõi về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã đạt trên con số 30.000 tỷ đồng. NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời tập trung giải ngân các hợp đồng đã ký theo đúng quy định.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng thông báo này của NHNN quá đột ngột. Ngày 28/3 ra văn bản, trong khi yêu cầu phải ngừng ký hợp đồng mới từ ngày 31/3, thời gian quá ngắn như vậy sẽ khiến cho nhiều người đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ sẽ trở tay không kịp. Bởi ai cũng biết để trở thành đối tượng thuộc diện vay ưu đãi họ phải hoàn tất nhiều giấy tờ, thủ tục.
Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức khép lại sau ngày 31/3/2016.
|
Theo Nghị quyết số 23 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016 khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết. Đây là một tin vui cho không ít người vay đã và đang được giải ngân theo tiến độ. Tuy nhiên, thông báo mới của NHNN này cũng đã “đóng sập cửa” với những ai chưa kịp ký hợp đồng.
Một số khách hàng mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Jamona Apartment ( nay đã đổi tên thành Luxury Home), Quận 7, TP.HCM do Sacomreal làm đầu tư, đang bị đẩy vào tình thế “há miệng mắc quai”. Như anh M. (mua căn hộ ở block M1) đã đóng một khoản tiền góp vốn và được nhân viên bán hàng hứa sẽ được vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Sau thời gian chờ đợi mòn mỏi, đến chiều 30/3 anh M. vẫn chưa được ngân hàng chấp thuận cho vay.
Nếu không vay được gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng những khách hàng mua căn hộ tại Jamona Apartment như anh M. sẽ có hai phương án, một là đồng ý vay tín dụng thương mại với lãi suất thả nổi theo thị trường hoặc đòi lại số tiền đã góp vốn. Tính pháp lý của block M1 của Jamona Apartment còn khá “mật mờ” khi nó không có trong danh sách các dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (từ ngày 1/7/2015 đến 28/3/2016) do Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố. Trong khi block M2 của dự án này hội đủ điều kiện bán và đã huy động vốn tổng số 648 căn hộ, nhà ở.
Chiều 31/3, nói với PV Infonet, ông Bùi Tiến Thắng – Phó Tổng giám đốc Sacomreal cho hay, hợp đồng mua bán và hợp đồng vay vốn là hai quan hệ khác nhau, tuy nhiên quan điểm của công ty lúc nào cũng hỗ trợ khách hàng. Khi được hỏi Sacomreal có hướng giải quyết như thế nào cho các khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà nhưng không vay được gói 30.000 tỷ, ông Thắng cho biết ban giám đốc công ty đang họp bàn và sẽ có thông tin trả lời sớm.
Lách qua khe cửa hẹp
Sau khi thông báo của NHNN về việc ngừng ký hợp đồng vay mới gói 30.000 tỷ đồng được đưa ra, theo ghi nhận trong hai ngày 29 và 30/3, nhiều ngân hàng đã trong tình trạng quá tải vì phải tiếp nhận một lượng hồ sơ nhiều gấp mấy lần ngày thường.
Anh M. cho hay anh ký hợp đồng cấp tín dụng nguyên tắc với Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) từ tháng 10/2015. Đến chiều 30/3 anh liên hệ với nhân viên ngân hàng thì được biết đang nhận quá nhiều hồ sơ khác nên của anh phải làm sau.
Hai ngày nay, người nhà của anh N.Đ.T mua căn hộ tại dự án Ehome 4 do Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư, đã phải mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Theo anh T, khi NHNN có thông báo người nhà của anh phải chạy đôn chạy đáo đi hoàn tất thủ tục vay ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Để giải quyết cho người đi vay, ngân hàng phải tăng cường nhân viên và thậm chí làm đến 21 giờ tối. Anh T. cho hay may mắn là cuối cùng hồ sơ vay của người thân anh cũng được chấp nhận.
“Khi hỏi chuyện một số người đến ngân hàng làm thủ tục tôi thấy ai cũng buồn rầu, nhất là những người đã đóng một phần tiền và ký hợp đồng mua nhà rồi. Họ nói như khóc, giờ mua nhà thì phải chấp nhận vay thương mại nhưng phải trả lãi suất cao quá. Còn không mua nữa thì vi phạm hợp đồng với chủ đầu tư. Kiểu nào cũng chết”, anh T. nói.
Ông Lê Hoàng Châu đánh giá, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đến nay đã phát huy tốt vai trò khi góp phần vực dậy thị trường bất động sản đồng thời giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Hầu hết người vay gói tín dụng này là người nghèo, họ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên khi có sự thay đổi về chính sách. Vì thế nếu thay đổi cũng cần có thời gian để họ chuẩn bị, có như vậy mới phát huy được tính nhân văn của gói tín dụng ưu đãi này.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: