Top

Ngăn chặn 'nhét' cao ốc vào khu vực trung tâm

Cập nhật 25/01/2018 14:46

Hiện nay tốc độ phát triển của đô thị nước ta thuộc hàng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (tăng đều 3,4%/năm). Tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã dẫn tới sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khiến đô thị phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về môi trường, giao thông, ngập lụt. Do đó Luật Quản lý phát triển đô thị hiện đang được lấy ý kiến cần phải giải quyết những bất cập trên.

Tỷ lệ đô thị hóa đang gia tăng nhanh chóng. Ảnh: Quang Vinh.

Theo thống kê, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016). Ước tính đến năm 2020 có khoảng 40% dân số Việt Nam sống trong các khu vực đô thị.

Nhìn nhận vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài về nhiều mặt.

Do đó, Luật Quản lý Phát triển đô thị được xây dựng nhằm xử lý cấp bách những vấn đề bất cập; hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo dự thảo này, dự án cải tạo, tái thiết khu đô thị chỉ được xem xét chấp thuận khi có trên 2/3 số tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp đồng ý. Riêng đối với các khu vực có công trình trong tình trạng hư hỏng, cũ nát có khả năng gây nguy hiểm đến sự an toàn của cộng đồng dân cư thì căn cứ tình trạng, mức độ nguy hiểm của khu vực dự án, UBND cấp tỉnh quyết định việc triển khai dự án trong trường hợp không đạt được đa số tỷ lệ đồng thuận.

Đối với các trường hợp khẩn cấp, để đảm bảo tính mạng người dân, UBND cấp tỉnh quyết định việc thực hiện dự án mà không cần tổ chức lấy ý kiến tổ chức, cá nhân trong phạm vi dự án.

Dự thảo cũng quy định, Nhà nước thống nhất quản lý về giá các loại hình dịch vụ sử dụng, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị. Giá dịch vụ sử dụng, khai thác hệ thống hạ tầng đô thị được xác định trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, gắn với chất lượng dịch vụ và Chính phủ sẽ hướng dẫn về giá dịch vụ sử dụng, khai thác hệ thống hạ tầng đô thị.

Dự thảo này cũng quy định, khi phương án đạt được sự đồng ý của đa số người đang sử dụng đất và phần lớn diện tích đất cần thiết cho dự án thì phương án được chấp thuận. Nhà nước sẽ thực hiện việc thu hồi đất đối với thiểu số những người không đồng ý với phương án đã được chấp thuận và đối với diện tích đất không được tham gia thị trường quyền sử dụng đất.

Nhà đầu tư phải lập phương án nhận quyền sử dụng đất gắn với chi phí nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho toàn khu vực đất cần thiết cho dự án và thỏa thuận với cộng đồng những người đang sử dụng đất với sự giám sát của chính quyền địa phương.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển đô thị tại Việt Nam hiện nay còn dàn trải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội không bảo đảm. Do đó, Luật Quản lý Phát triển đô thị cần bảo đảm để khi phát triển đô thị vẫn phải có kiểm soát, tránh được tình trạng tràn lan như hiện nay.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng ta đang tạo ra những đô thị rất đẹp trên bản vẽ, nhưng thực tế chúng ta lại xây dựng những “khu đô thị ngủ”, rất nhiều đô thị mới nhưng chất lượng đô thị như thế nào thì lại ít được quan tâm. Đô thị nước ta hiện nay không có sự kết nối với nhau, do đó luật ra đời phải xử lý được dứt điểm những căn bệnh đang tồn tại của đô thị.

Chỉ ra thực trạng hiện nay, quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra quá nhanh, trong khi việc quản lý lại không theo kịp dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với đô thị dẫn tới ách tắc giao thông. Đặc biệt, quản lý đô thị hiện nay đang rất rời rạc, không có sự liên kết giữa các ngành, quản lý, ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, điều quan trọng nhất khi luật ra đời là phải giải quyết được những bất cập, hạn chế của đô thị Việt Nam hiện nay. Theo đó phải hướng tới sự phát triển bền vững, không thể vì vội vã, ồ ạt mà phá nát đô thị, đồng thời cần ngăn chặn được việc “nhét” các cao ốc, chung cư cao tầng vào khu vực trung tâm. 

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết