Đơn vị nào đưa ra dịch vụ tốt, giá thấp nhất thì trúng thầu. Như vậy người dân mới được hưởng lợi.
Pháp Luật TP.HCM ngày 22-12 có nêu đề xuất bỏ mức trần giá dịch vụ nhà chung cư của Sở Xây dựng TP.HCM. Lý do là mức giá này nên được điều tiết theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng TP Hà Nội lại cho rằng vẫn cần phải duy trì mức giá trần này để đảm bảo quyền lợi của cư dân. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
“Chúng tôi sẽ xem xét ý kiến của Sở Xây dựng TP.HCM, đồng thời cũng lắng nghe ý kiến từ phía người dân và doanh nghiệp. Nhưng khác với TP.HCM, Hà Nội vẫn cho rằng cần phải có mức trần về giá dịch vụ chung cư” - ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết khi đề cập đến đề xuất bỏ mức trần giá dịch vụ nhà chung cư của Sở Xây dựng TP.HCM (Pháp Luật TP.HCM ngày 22-12).
Chủ đầu tư dễ “bóp” người dân
Theo ông Ninh, đã là quan hệ dân sự thì các bên: người dân và chủ đầu tư, đơn vị làm dịch vụ phải bình đẳng. Nhưng hiện nay các chủ đầu tư thường sở hữu những diện tích quan trọng như tầng hầm để xe... (họ đầu tư riêng, không tính vào giá thành căn hộ - PV), không chịu bàn giao chung cư cho ban quản trị để nắm quyền làm dịch vụ. Như vậy làm sao có quan hệ bình đẳng trong việc lựa chọn giá dịch vụ?
“Thực tế cho thấy giữa chủ đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ và cư dân chung cư đã xảy ra không ít bất đồng. Ở Hà Nội điển hình là các chung cư Keangnam, Ciputra… Giàu như cư dân Keangnam mà còn không chịu nổi giá dịch vụ do chủ đầu tư đưa ra (khoảng 17.000 đồng/m2/tháng). Những ai không đóng thì bị cắt dịch vụ ngay” - ông Ninh dẫn chứng.
Cũng theo ông Ninh, chủ đầu tư, doanh nghiệp làm dịch vụ thường thích không bị quản lý về giá dịch vụ. Nhưng với sự bất bình đẳng như đã nói ở trên, nếu không quy định giá trần cho dịch vụ nhà chung cư thì chủ đầu tư dễ “bóp” cư dân. Còn nếu muốn thả giá dịch vụ chung cư theo thị trường thì ban quản trị phải tổ chức đấu thầu. Đơn vị nào đưa ra dịch vụ tốt, giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Như vậy mới công bằng, mới đúng là thị trường, người dân mới được hưởng lợi.
Cư dân ở Keangnam giơ biểu ngữ phản đối do bất đồng trong việc tranh chấp phí dịch vụ tại tòa nhà. Ảnh: Cao Minh
|
Quy định hiện hành không bắt buộc chủ đầu tư phải quản lý tòa nhà nhưng thực tế hầu hết chủ đầu tư đều muốn được quản. Nếu không có lời lãi gì ở đó thì họ “ôm” làm gì? Ông NGUYỄN TRỌNG NINH, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản |
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: