Top

Nên có khung bảo vệ cho các cây cầu

Cập nhật 20/11/2009 11:05

Cầu Thị Nghè không có khung bảo vệ nên khi triều cường các phương tiện giao thông thủy qua đây dễ va phải trụ và dầm cầu. Ảnh: Anh Quân.

Sau khi vụ việc xà lan 800 tấn đâm vào cầu Thị nghè chiều ngày 17-11, làm hỏng dầm biên nhịp giữa của cầu, ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đường bộ số 2, cho rằng nên có khung bảo vệ cho các cây cầu ở TPHCM.

Trong vòng chưa đầy hai tháng ở TPHCM liên tục xảy ra những vụ tai nạn làm hỏng trụ và dầm cầu do các phương tiện giao thông thủy gây ra.

Ngoài vụ tai nạn ở trên cầu Thị Nghè, trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua cũng xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng do xà lan gây ra. Vụ thứ nhất là một chiếc xà lan đâm vào cầu Mương Chuối (huyện Nhà Bè) gây hư hỏng trụ và dầm cầu. Không lâu sau đó, một xà lan neo đậu gần cầu An Nghĩa (huyện Cần Giờ) cũng bị đứt neo trôi tự do rồi đâm gãy trụ cầu này.

Theo thống kê của Sở giao thông vận tải TPHCM, hiện thành phố có 866 cây cầu, trong đó hệ thống cầu có tải trọng dưới 10 tấn chiếm khoảng 40%.

Trao đổi với TBKTSG Online chiều ngày 19-11, ông Vũ Kiến Thiết, cho biết để tránh cho các phương tiện giao thông thủy khi lưu thông không va phải cầu, các đơn vị quản lý nên xây dựng khung bảo vệ cho các cây cầu.

Hiện tại chỉ những cây cầu lớn ở TPHCM như cầu Sài Gòn, Bình Triệu, Tân Thuận 1, mới có trụ thép bảo vệ, còn đa phần những cây cầu nhỏ đều không có khung bảo vệ. Vì vậy đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với các cây cầu khi phương tiện giao thông thủy lưu thông ngang qua.

Theo giải thích của ông Thiết, nếu có khung bảo vệ thì khi phương tiện thủy lưu thông qua đây vào lúc triều cường, có chiều cao vượt quá so với cầu sẽ bị mắc phải phần khung nên cầu không bị ảnh hưởng gì.

Ông Thiết cho biết khung cầu được làm rất đơn giản (có cả phần trụ và thanh ngang), nó giống như khung chặn trước các cây cầu nhỏ.

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG