Top

Những “đại gia” ôm nhà, đất công - Kỳ 3:

Nâng giá để “trị” lãng phí

Cập nhật 22/07/2009 09:35

Tòa nhà xây dựng dở dang tại khu đất 86 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) do Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 quản lý bị bỏ hoang nhiều năm qua - Ảnh: Thanh Đạm
 

Không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà đất công bị lãng phí là do Nhà nước cho thuê với giá quá “bèo”. Muốn “trị” bệnh lãng phí cần nâng giá cho thuê lên ngang mức với thị trường.

Theo tiến sĩ Đinh Văn Ân - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, qua khảo sát cho thấy hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty (gọi chung là tổng công ty) nhà nước còn thấp. Đó là tính giá cho thuê đất thấp, nếu cho thuê đất theo sát giá thị trường thì hiệu quả kinh doanh sẽ còn thấp hơn.


Còn bao cấp giá thuê đất


Giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường (TN-MT) TP.HCM Đào Anh Kiệt nhận định: một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị được giao đất rồi bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả hoặc cho thuê lại là do Nhà nước bao cấp giá thuê đất. Ông nói giá thuê đất công còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến việc doanh nghiệp cố giữ đất để cho thuê lại, hưởng chênh lệch. Thậm chí doanh nghiệp thuê đất công rồi bỏ trống cũng không mất bao nhiêu tiền. Ông Đào Anh Kiệt khẳng định giá thuê bằng giá thị trường là công bằng và minh bạch nhất.

Đề xuất thu hồi 129 nhà đất

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, kết quả xử lý nhà đất từ khi triển khai quyết định 80 của Chính phủ về xử lý sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM từ năm 2001 đến hết năm 2008 như sau: tổng số nhà đất đã kê khai của các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương và địa phương là 10.535 địa chỉ với tổng diện tích hơn 232 triệu m2. Trong số đó các cơ quan chức năng đã đề xuất thu hồi 129 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích 575.598m2 và sử dụng làm bệnh viện, trường học, công viên cây xanh...


Theo nghị định 142 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì giá thuê đất mỗi năm chỉ bằng 0,5% bảng giá đất quy định. Khu vực có sinh lợi đặc biệt được thu tiền thuê đất cao hơn nhưng mỗi năm cũng không quá 2% giá quy định. Sở TN-MT đề xuất nên tính giá thuê đất công theo giá thị trường, hệ số ra sao tùy thuộc từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể: với các ngành nghề liên quan đến thương mại, kinh doanh bất động sản (cao ốc văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc cho thuê tài sản trên đất) thì giá thuê mỗi năm bằng 0,75% giá đất thị trường. Những ngành nghề khác tính giá thuê bằng 0,5% giá thị trường. Ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng phòng đăng ký - kinh tế đất Sở TN-MT - phân tích: với mức giá này, tổng số tiền thuê đất trong 70 năm (bằng thời gian giao đất dài nhất đối với doanh nghiệp) gần bằng với số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chuyển nhượng. Như vậy, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa việc thuê đất hay nhận chuyển nhượng.

Cán bộ một sở cho rằng muốn hạn chế tình trạng lãng phí nhà đất trong khối doanh nghiệp nhà nước thì cần yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra được phương án kinh doanh, căn cứ vào đó để biết nhu cầu sử dụng đất. Số mặt bằng dư ra phải giao lại cho Nhà nước. Nếu doanh nghiệp muốn sử dụng nhiều đất hơn nhu cầu thực tế phải chuyển nhượng theo giá thị trường.

Ưu ái “kép”

Đề cập chuyện sử dụng nhà đất công tại các tổng công ty trong buổi giám sát gần đây, ông Vũ Viết Ngoạn - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho rằng chính vì giá thuê đất hiện nay quá thấp nên doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước xem như được ưu tiên so với các doanh nghiệp phải nhận chuyển nhượng hay đi thuê lại. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia về đầu tư - tài chính, nói giá thuê đất thấp như hiện nay vô tình trở thành chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhà nước. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Cũng theo ông Hiển, được giao, thuê nhiều nhà đất công đã là một thế mạnh của các tổng công ty nhà nước. Nhưng cho thuê đất với giá “bèo” so với giá thị trường lại là một ưu ái nữa. Quá nhiều ưu ái sẽ khiến doanh nghiệp chủ quan, tạo ra sức ỳ, không khuyến khích sự sáng tạo trong kinh doanh, sản xuất. Trong thực tế, có một số đơn vị chỉ chuyên cho thuê lại mặt bằng và xem đó như nguồn thu nhập chính, ít quan tâm đến việc kinh doanh. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này lãng phí sẽ càng nhiều, cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như làm hạn chế sự phát triển chung của TP.HCM.

“Nguồn lực bất động sản trong tay các tổng công ty rất lớn. Để khai thác có hiệu quả cần đưa đất ra đấu giá theo giá thị trường” - ông Hiển đề xuất. Trường hợp doanh nghiệp đang sử dụng đất không có khả năng tham gia đấu giá thì được điều tiết khoảng 20-30% giá trị khu đất để làm vốn sản xuất, phát triển doanh nghiệp, số còn lại đưa vào ngân sách. Khi đó, đất được đưa vào khai thác có hiệu quả, còn Nhà nước có thêm nguồn thu để đầu tư phát triển hạ tầng, các công trình công cộng.

Còn ngại đụng chạm trong xử lý


Ông Đặng Văn Khoa - đại biểu HĐND TP.HCM - cho rằng giá thuê đất là cốt tử trong chuyện lãng phí. Với mức giá cho thuê rất thấp, từ vài chục đến hơn một trăm ngàn đồng/m2 mỗi năm (tùy theo vị trí), có nơi chỉ bằng 1/10 so với giá thị trường nên doanh nghiệp không dại gì không ôm đất để cho thuê lại, hưởng chênh lệch. Ông Khoa cũng nói có doanh nghiệp báo cáo sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích nhưng thực tế khi tìm hiểu lại phát hiện doanh nghiệp này sử dụng phần lớn đất công để cho thuê lại.

Đất công là của toàn dân, không phải của một nhóm lợi ích nào nên phải công khai để dân giám sát việc sử dụng ra sao, hiệu quả đến đâu. Nhiều đất công cho thuê giá thấp, nằm ở vị trí “vàng” là lợi thế “trời cho” đối với doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng trong xử lý, sắp xếp, theo ông Khoa, dường như các cơ quan chức năng ngại đụng chạm, khiến cử tri đặt vấn đề: có phải vì lợi ích đan xen nhau nên khó xử lý? “Tổng công ty Lương thực miền Nam quản lý số lượng nhà đất khổng lồ ở TP.HCM nhưng bao nhiêu năm qua thu hồi được bao nhiêu? Hơn 600.000m2 nhà, đất mà Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN đang quản lý, cơ quan chức năng “chạm” vào được bao nhiêu cơ sở?” - ông Khoa nói như tự hỏi.

Ông Khoa nói đã nhiều lần chất vấn cơ quan chức năng TP vì sao chậm điều chỉnh tăng giá thuê đất để góp phần chống việc chiếm hữu, sử dụng lãng phí nhà xưởng, kho bãi. Mới đây nhất, ngày 10-7, Sở TN-MT TP có văn bản trả lời cho biết từ năm 2003 sở này đã đề xuất UBND TP áp dụng một trong hai hình thức cho thuê đất công với doanh nghiệp: thuê theo giá thị trường hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Cuối năm 2008, TP có quy định cho thuê đất theo giá thị trường với một số đối tượng nhưng chưa hướng dẫn cụ thể đơn giá, phạm vi áp dụng nên không thực hiện được. Gần đây, Sở TN-MT tiếp tục đề xuất TP tính giá thị trường cho tất cả trường hợp thuê đất công. Ông Khoa cho rằng vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì TP phải kiên quyết xử lý, còn vấn đề nào thuộc thẩm quyền trung ương thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Ông Khoa khẳng định chuyện lãng phí đất công không thể để kéo dài lâu hơn được nữa.


>>Kỳ 2: Xót xa “của chùa”

>>Kỳ 1: “Chùm khế ngọt...”  

 

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO