Top

Nan giải “bài toán” đô thị hoá

Cập nhật 15/05/2007 09:00

. Huyền Ngân

Ngày 11/5, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức diễn đàn trao đổi về quy hoạch và quản lý môi trường đô thị của Việt Nam.

Mục tiêu chính của diễn đàn là nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quản lý, bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường sống.

Trong quá trình phát triển đô thị, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Theo Báo cáo nghiên cứu của WB, năm 2005, có khoảng 1/4 dân số đô thị sống trong điều kiện nhà ở không đạt tiêu chuẩn, chỉ có khảng 50% cư dân đô thị có nước máy dùng, dịch vụ giao thông hạn chế, các vấn đề sức khoẻ nảy sinh do thiếu xử lý chất thải sinh hoạt, gia tăng xe máy và tắc nghẽn giao thông đô thị và làm gia tăng ô nhiễm không khí. Vấn đề càng trở nên trầm trọng vì ước tính đến năm 2010, tổng dân số đô thị sẽ là 32 triệu người.

GS.TS Vũ Thị Vinh - Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, nhận xét, đô thị phát triển quá nhanh, thiếu quy hoạch và không được kiểm soát khiến Việt Nam phải đối mặt với các thách thức lớn: cơ sở hạ tầng quá yếu kém, năng lực quản lý của chính quyền còn hạn chế, nhận thức của cộng đồng cũng còn thấp, đặc biệt môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu trung bình một người, một ngày thải ra 1kg rác thì ở Tp.HCM, lượng rác thải ra mỗi ngày gần 7.000 tấn, Hà Nội là trên 3.500 tấn. Các đô thị khác tính bình quân 0,7kg rác/người và số lượng rác thải thải ra ở các đô thị ngày càng có xu hướng nhiều hơn. Hiện nay, phần lớn rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp nhưng nhiều nơi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Theo số liệu khảo sát của 25 đô thị thuộc Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia cho thấy, có tới 11/25, chiếm 44% sử dụng bãi chôn lấp đơn sơ không đảm bảo vệ sinh. Việc giảm thiểu rác thải luôn là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất đối với phát triển đô thị.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân là do lượng xe máy quá lớn. Với lượng xe gắn máy 506 xe/người dân, mỗi năm Tp.HCM lãng phí 2.472 tỷ đồng nhiên liệu, gây ra 62 điểm ùn tắc giao thông, 72% tai nạn giao thông. Ô nhiễm nguồn nước cũng rất cần được quan tâm. Nhiều đô thị lớn của Việt Nam vẫn thường xuyên thiếu nước, nguồn nước chủ yếu sử dụng là nước mặt và nước ngầm, trong đó, 2/3 là nước mặt từ các sông.

Nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt do tác động của con người và thiên nhiên gia tăng, hiện trong nước ngầm cũng đã xuất hiện ô nhiễm Fe, Mn. Trong tương lai, chất lượng nguồn nước ngày càng không ổn định, diễn biến theo chiều hướng xấu. Tỉ lệ thất thoát và thất thu nước khoảng 30 -50%, có nơi lên tới 60% đã làm cho tình trạng thiếu nước tại các đô thị, nhất là những tháng nắng, nóng càng trở nên căng thẳng.

Theo ông Alan Couthart, điều phối viên hạ tầng của WB, ngày nay, đô thị là "đầu máy" của sự tăng trưởng kinh tế vùng, tiêu thụ tài nguyên, sinh ra rác thải, nguồn gốc của các vấn đề về môi trường. Đô thị cần phải có những quy trình để góp phần tạo ra "môi trường lành mạnh" và "tăng trưởng kinh tế". Môi trường lành mạnh liên quan đến các vấn đề cung cấp nước an toàn, điều kiện vệ sinh, quản lý chất thải rắn. Tăng trưởng kinh tế liên quan đến thiếu kiểm soát các chất thải từ các nhà máy, tắc nghẽn, tại nạn, xử lý chưa thỏa đáng các chất thải độc hại.

Ông Alan Couthart ước tính, Việt Nam cần huy động khoảng 23,4 tỷ USD để cải thiện hạ tầng các đô thị giai đoạn từ nay đến năm 2010. Trong đó, 3,8 tỷ USD dành cho việc cung cấp nước sạch; 2,8 tỷ USD phục vụ việc thu gom và xử lý nước thải; 2,4 tỷ USD dùng để cải tạo hệ thống thoát nước; 6 tỷ USD để nâng cấp giao thông đô thị và 8,4 tỷ USD đầu tư xây dựng nhà ở chi phí thấp.

(Theo VnEconomy)