Top

Mua nhà thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư: Một công đôi việc

Cập nhật 28/02/2012 10:55


Nhà tái định cư K6 Khu ĐTM Việt Hưng. Images: Thái Hà
Về đề xuất mua nhà ở từ các dự án thương mại để bổ sung vào quỹ nhà tái định cư (TĐC) của Thành phố. PV đã có cuộc trao đổi kỹ hơn với ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội- về những vấn đề liên quan.


* Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương mua nhà thương mại bổ sung cho quỹ nhà TĐC?

- Để giải quyết vấn đề cấp bách cho nhu cầu nhà ở TĐC, Sở Xây dựng đã đề nghị Thành phố cho xây dựng cơ chế để mua lại nhà thương mại đã xây xong của doanh nghiệp. Vấn đề là mua chỗ nào, cơ cấu căn hộ ra sao để phù hợp. Hiện nay một số doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị Thành phố mua lại quỹ nhà thương mại để phục vụ nhu cầu TĐC. Đơn cử, Công ty CP số 3 - Tổng Công ty Handico đề nghị nhượng lại 120 căn hộ đã hoàn thiện tại Sài Đồng.

Tuy nhiên, để thực hiện, Sở đang xây dựng cơ chế để trình Liên ngành Thành phố. Thứ nhất, phải tính được giá trị đất trước đây doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước để khấu trừ. Thứ hai, vì là nhà ở thương mại nên doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm phê duyệt dự án, phê duyệt tổng dự toán. Cơ quan quản lý sẽ phải xem xét lại những chi phí nào là hợp lý, chi phí nào không hợp lý cần loại ra để tính giá thành. Lợi nhuận doanh nghiệp hưởng sẽ được giới hạn ở mức 10%, đây cũng là mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội được hưởng. Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn mà để làm được một dự án cũng hết sức vất vả nên khi mua lại cần tính mức lãi suất phù hợp để họ có đủ điều kiện tái đầu tư kinh doanh.

Với các dự án xây nhà TĐC từ vốn ngân sách, doanh nghiệp là người "làm công ăn lương". Nhưng với các dự án nhà thương mại, doanh nghiệp còn phải chịu lãi suất ngân hàng khi vay vốn và còn nhiều khoản chi phí khác nữa.

* Liệu việc mua nhà thương mại có làm tăng giá căn hộ TĐC và đội chi phí đầu tư của các dự án?

- Nhìn chung, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản hiện đang rất khó khăn về vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang "sống dở, chết dở", vì thị trường bất động sản đóng băng kéo dài. Việc mua nhà ở thương mại để bổ sung cho quỹ nhà TĐC là cách làm mang lại hai lợi ích. Thứ nhất, Thành phố chủ động hơn trong việc đáp ứng quỹ nhà TĐC. Thứ hai, sẽ cứu được không ít doanh nghiệp đang trong "cơn nguy kịch", giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là lúc doanh nghiệp và Nhà nước cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Tuy nhiên, tiền mua nhà là tiền ngân sách, là tiền đóng thuế của dân. Vì vậy, khi mua nhà, Thành phố sẽ phải tính toán kỹ về giá thành, các chi phí hợp lý, doanh nghiệp trong trường hợp này không thể mong lợi nhuận cao được.

* Ngoài Công ty CP số 3, còn doanh nghiệp nào khác đề nghị bán nhà thương mại cho Thành phố không, thưa ông?

- Không chỉ có Công ty CP số 3, hiện nay, một số doanh nghiệp đã đề nghị bán nhà cho thành phố. Tuy nhiên, Thành phố chưa có thông điệp chính thức về việc này, nhưng Sở sẽ tổng hợp nhu cầu bán nhà của doanh nghiệp để báo cáo Thành phố xem xét. Việc có mua hay không còn phải tính toán, cân nhắc cụ thể từng dự án xem có phù hợp với TĐC hay không.

Ngoài ra, còn một quỹ nhà khác, là quỹ nhà thực hiện theo Quyết định 123 của Thành phố (gồm 30 - 50% quỹ nhà của các dự án dành lại để bán cho cán bộ, công nhân viên của thành phố) cũng sẽ được mua lại để làm nhà TĐC. Giá bán căn hộ thuộc quỹ nhà này thấp hơn nhà thương mại.

* Nếu được thực hiện sẽ giải quyết cơ cấu căn hộ ra sao, vì diện tích nhà thương mại thường lớn hơn căn hộ TĐC?

- Vấn đề này không đáng lo. Với tiêu chuẩn căn hộ TĐC, như theo quy định, một hộ dân có thể được mua căn hộ rộng 45m2 nhưng nếu hộ dân đó có điều kiện về tài chính và có nhu cầu cũng nên tạo điều kiện để mua căn hộ lớn hơn, 70 - 80m2 chẳng hạn. Tôi cho rằng, chúng ta nên thay đổi quan niệm, cần coi nhà TĐC như nhà ở thương mại. Nhà TĐC cũng cần chất lượng tốt, điều kiện sống tốt như nhà thương mại.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị