Top

Mua nhà thật lắm gian nan

Cập nhật 13/11/2012 11:19

Cứ ngỡ rằng thị trường bất động sản ở TP HCM đóng băng, giá chạm đáy thì những người có nhu cầu mua nhà ở thật sự như tôi sẽ dễ dàng tìm được căn nhà phố ưng ý với giá “mềm”. Chỉ đến khi trải qua quá trình săn tìm nhà khá vất vả thì mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện trái khoáy…

Tôi đi “săn” nhà


Trên thực tế, không phải ai cũng tường tận chuyện mua bán nhà đất vốn đầy rẫy rắc rối, nhất là những người suốt ngày chỉ biết cặm cụi làm công ăn lương, chưa từng bon chen trong vòng xoáy của những cơn sốt ảo. Tôi cũng không là trường hợp ngoại lệ, thậm chí còn rất “ngố” khi làm cái chuyện hệ trọng là… mua nhà để ở sau hơn 10 năm tích cóp trên chốn Sài thành!

Để không “hố” khi mua nhà, tôi tham khảo ý kiến bè bạn vốn là nhân viên môi giới nhà đất nhưng nay đã chuyển nghề. Nhiều người hỏi muốn mua căn hộ chung cư hay là nhà phố, nếu là căn hộ chung cư thì họ khuyên không nên mặc dù giá đã có lúc giảm đến 40-60% so với thời đỉnh cao.

Nguyễn Minh Cường, 33 tuổi, quê Bình Dương, từng là nhân viên môi giới của Công ty Địa ốc H.Q nằm ở quận 1 (TP HCM) nay đã chuyển sang kinh doanh quán ăn, đưa ra lời khuyên thực tế: “Dù mình từng tư vấn, môi giới cho khá nhiều khách hàng mua nhà chung cư, nhưng là bạn bè thân, mình khuyên cậu không nên mua nó. Bởi vì về lâu dài, giá trị của căn hộ chung cư sẽ không tăng vững như nhà phố, thủ tục rắc rối thậm chí rủi ro cao khi mua nhầm những dự án còn nằm trên giấy, khi mua rồi đến lúc về ở lại phát sinh nhiều loại chi phí, đó là chưa kể chất lượng nhiều căn hộ chung cư không đảm bảo, thường được xây ẩu tả, dễ xuống cấp…”.
 

Những người có nhu cầu thực sự nếu muốn mua nhà ở tại thời điểm này cần cân nhắc hai yếu tố về tính pháp lý của một dự án bất động sản và năng lực của chủ đầu tư

Theo như phân tích của Cường, thực ra dạng nhà phố vẫn không giảm giá là bao nhiêu mặc dù thị trường bất động sản có đóng băng. Nếu muốn mua nhà phố với giá “mềm” 1,5-2 tỉ đồng mà có diện tích rộng, đường sá thông thoáng thì chỉ nên tìm các quận ven như Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, 7, 8, 9, 12. Còn nếu mua nhà phố ở các quận trung tâm như 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận… thì với số tiền đó chẳng thấm tháp là bao, sẽ chỉ mua được căn nhà nát, cấp 4 có diện tích 20-30m2, nằm sâu trong các con hẻm bé tí tẹo. Nhưng lưu ý khi mua nhà giá mềm là xem kỹ giấy tờ phải hợp lệ, rõ ràng, tránh trường hợp tranh chấp, dứt khoát không mua bán bằng giấy tay và nằm trong khu vực có quy hoạch.

Để tìm thông tin nhà bán, nhiều người đưa ra những lời khuyên như: Nếu muốn mua nhà giá mềm thì không nên tìm đến các công ty, trung tâm, dịch vụ môi giới bất động sản. Bởi vì những nơi đó sẽ kê thêm 10-20% mức giá mà người chủ rao bán. Cách tốt nhất là tìm thông tin bán nhà vốn rất phong phú từ các quận trung tâm cho đến các quận ven trên các trang quảng cáo quen thuộc của các tờ báo Mua & Bán, Tuổi Trẻ, Thanh Niên...

Còn với kinh nghiệm của anh Trần Văn Châu (nhân viên bảo hiểm, người vừa tậu được căn nhà ở quận Bình Tân), nếu muốn tìm được căn nhà ưng ý và giá rẻ thì nên thường xuyên lướt các trang web bất động sản trên Internet. Bởi theo anh Châu, nhờ các trang web này mà anh may mắn tìm mua cho mình được căn nhà tận gốc, của chính gia chủ, người có nhu cầu bán nhà thật sự, rẻ hơn khi thông qua trung tâm môi giới.

Nghe theo những lời khuyên, tôi không tìm đến nhà tại các trung tâm môi giới bất động sản, thay vào đó, bên cạnh việc mua báo để nhặt tìm các trang quảng cáo có đăng mục rao bán nhà đất thì tôi bắt đầu lần mò lên các trang web bất động sản.

Mặc dù biết rằng, các công ty môi giới bất động hoặc các “cò đất” đứng đằng sau những trang web này, thế nhưng những tiện ích mà các website bất động sản đã giúp tôi tìm kiếm khá nhiều thông tin về các căn nhà giá mềm trong khoảng 1-2 tỉ đồng. Đảo quanh các trang web trên, tuy hình thức hoạt động khác nhau nhưng nội dung chính vẫn là đăng tải các thông tin nhà đất được rao bán khá phong phú.

Khỏi phải bỏ công đến các công ty môi giới, chỉ cần vài click chuột, tôi đã có thể tìm được một đống thông tin nhà đất giá mềm từ loại nhà 7-8 trăm triệu, 1-2 tỉ đến vài chục tỉ đồng với các loại bất động sản, tỉnh thành, quận huyện, đường phố, ngõ hẻm... Các website này còn cung cấp cả ảnh thật và clip của từng căn nhà, mảnh đất, giúp người xem được nhìn thấy rõ ràng từ ngoài đường vào đến bên trong, đầy đủ như đã đến tận nơi. Hầu hết các website nhà đất đều được bố trí như một “chợ” giao dịch địa ốc trực tuyến. Người có nhà, đất đăng rao bán còn người có nhu cầu thì cứ vào xem, mặc sức lựa chọn....

Bên cạnh đó, trên nhiều trang mạng có không ít những dòng rao bán nhà giá rẻ đến mức gây sốc. Thậm chí có hàng loạt các căn hộ chung cư cao cấp, lô đất nền, đất thổ cư rao bán giảm giá cũng xuất hiện nhan nhản với lý do "vỡ nợ", “kẹt tiền cần thu hồi vốn nên bán gấp”... Hoặc mỗi khi đọc các lời rao bán nhà giá rẻ, tôi thường thấy người bán hay dùng cụm từ rao “có cánh” không biết thực hư thế nào khiến cho tôi không khỏi tò mò, như: “Cần tiền bán rẻ nhà vị trí vàng…”; “Đất giá rẻ, vị trí đẹp, lô góc…Mời anh chị đã trả…đến thương lượng lại…”; “Nhà mặt tiền giá rẻ, gần nơi kinh doanh sầm uất”; “Xuất cảnh bán gấp, cơ hội mua nhà đẹp giá rẻ…”; “Nhà đẹp, trang trí nội thất cao cấp, giá cực sốc”... Thế nhưng chỉ đến khi tìm hiểu thì mới hiểu ẩn sau những lời rao có cánh kia là những thủ thuật để bán nhà rốt ráo với giá hời…

Thủ thuật những lời rao

Một lần, đang chăm chú đọc những dòng chữ chi chít trên báo Mua & Bán, tôi bắt gặp lời rao: “Cần tiền cần bán nhà đẹp giá rẻ, diện tích 4x14, một trệt, một lầu đúc, hẻm xe hơi, sổ hồng chính chủ, giá 1,2 tỉ, nằm trên đường Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, nằm sát khu dân cư Tên Lửa”. Quả là một căn nhà đúng tiêu chuẩn và vị trí mà mình đặt ra. Sau khi điện thoại cho chủ nhà, tôi tức tốc tìm đến ngay địa chỉ căn nhà trên. Thế nhưng khi đến nơi thì thất vọng vô cùng.

Nói là nằm sát khu dân cư Tên Lửa - một khu dân cư mới sầm uất nhất của quận Bình Tân - nhưng cũng phải cách trung tâm khu vực đó vài cây số. Gọi là đường vào nhà có “hẻm xe hơi” nhưng thực tế hẻm chỉ khoảng 3m là cùng, chỉ vừa đủ một chiếc taxi đi lọt, nếu có thêm một chiếc xe gắn máy thì nó sẽ không thể di chuyển được. Đó là chưa kể, khi tôi đi xác minh diện tích thật của căn nhà trên UBND quận Bình Tân thì hóa ra chỉ là 4x10m, vi phạm lộ giới hẻm đến 4m. Thôi đành chọn căn khác vậy!
 

Nhà giá rẻ thường nằm trong những con hẻm bé tí tẹo ở nội thành


Vài ngày sau, lại thấy có một lời rao hấp dẫn: “Kẹt tiền nên bán gấp nhà mặt tiền đường An Dương Vương, quận 8, diện tích 4x12m, một trệt, một gác gỗ, chủ quyền thành phố, giá 1,8 tỉ, trời mưa không ngập nước. Nhà mặt tiền, diện tích đẹp mà giá như vậy là quá rẻ. Khi đến nơi, đứng trước căn nhà cũ nát tôi không khỏi thất vọng. Gọi cho sang là nhà mặt tiền đường nhưng con đường này lại nham nhở, ổ voi ổ gà quá cỡ. Hỏi thăm những người xung quanh thì lúc trời mưa hay mỗi lần triều cường lên thì con đường này như biến thành sông (?!). Người bạn đi cùng còn cười đểu: “Có cho tao cũng không lấy”.

Một lần khác, qua lời rao trên mạng, tôi cùng người bạn tìm đến xem một căn nhà nằm trên con hẻm rộng của đường Tân Hòa Đông, quận 6. Ngôi nhà có diện tích 4x12m, 1 trệt, 1 lầu, được chủ nhà rao bán 1,7 tỉ, kèm theo lời nhắn “Mời anh…đã trả 1,5 tỷ đến thương lượng lại”. Cùng xem nhà với chúng tôi có thêm một người khách khác. Ấn tượng ban đầu của tôi với căn nhà là khá tốt, lại sợ người khách kia mua mất nên tôi định lấy tiền đặt cọc ngay để mua nhà với giá 1,5 tỉ đồng như vừa thỏa thuận.

Thế nhưng bạn tôi can ngăn, kéo ra một góc nhà nói khẽ: “Tao nhớ ra rồi, khu này gần kênh Lò Gốm nên triều cường, ngập nước liên tục”. Tôi bất chợt nhận ra người khách lạ khi vòng xe đi cứ nhìn tôi như lấp liếm một điều gì đó. Bạn tôi bảo: “Đó là màn kịch tranh mua, kể cả lời rao “mời anh…trả 1,5 tỉ” cũng chỉ là thủ thuật để họ bán nhà với giá tốt nhất, sao mày dễ bị dụ quá!”.

Rõ ràng những thông tin rao bán nhà “có cánh” đã khiến không ít người cả tin. Trải qua những lần “săn” nhà giá mềm như vậy, mới thấy rằng những lời rao bán nhà chưa hẳn đúng với sự thật bên ngoài. Nếu người ra rao nhà ở “hẻm xe hơi” là con hẻm chỉ lọt lòng một chiếc ô tô, nhà không ngập khi trời mưa thì có nghĩa là sẽ ngập lúc có triều cường, nhà “sàn đúc bê tông” có khi là “sàn đúc giả”, nhà đẹp nhiều khi lại không có cốt nền, riêng những lời rao về diện tích thì càng thêm lộn xộn, vi phạm lộ giới… Nếu chỉ xem hiện trạng thôi thì chưa đủ, hãy đối chiếu hiện trạng với giấy tờ nhà và cả bản đồ quy hoạch của từng phường, khu phố ta sẽ thấy sự thật về những lời rao đúng là “nổ như rao bán nhà”…

Nhiêu khê thủ tục!

Cuối cùng, trải qua hàng tháng trời lặn lội đi tìm nhà giá mềm thì tôi cũng mua được một căn nhà ở quận 6 thông qua những lời rao trên mạng. Thế nhưng, không chỉ vất vả trong quá trình mua nhà, khâu đăng ký thủ tục giấy tờ nhà đất cũng là cả một vấn đề đối với những người lần đầu tiên làm chuyện hệ trọng này. Hôm tôi đến chi cục thuế để làm hồ sơ nộp thuế trước bạ cho căn nhà, cứ nghĩ rằng hồ sơ của mình “sạch” nên cũng yên tâm, nghĩ là sẽ được làm. Thế nhưng, có đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ mới thấy vẫn còn không ít phiền phức. Hồ sơ, giấy tờ kê khai thuế trước bạ vẫn còn nhiều tiêu mục rắc rối, trùng lặp khiến nhiều người như tôi gặp không ít lúng túng khi kê khai. Phải mất hơn 2 tuần lễ tôi mới có thể hoàn thành việc nộp thuế trước bạ.

Trong những lần lui tới chi cục thuế của quận, tôi có gặp một số “cò”, họ tâm sự: Trong nhiều trường hợp, những người nộp thuế trước bạ nhà đất như anh phải mất nhiều thời gian để hoàn tất bộ hồ sơ nộp thuế, nên bọn em phải “bắt mối” để nhờ vả cán bộ ở đây kê khai hộ.
 

Thủ tục nhà đất vẫn còn “hành” dân


Có thể nói, chính vì hồ sơ thuế rườm rà, kéo theo việc kiểm tra, xử lý hồ sơ bị ách tắc, từ đó, không tránh khỏi nảy sinh hiện tượng tiêu cực. Vì muốn được nhanh chóng giải quyết hồ sơ, nhiều người tìm cách 'móc ngoặc' với nhân viên ngành thuế.

Gặp tôi ở chi cục thuế, anh Trần Văn Tín, nhà ở quận đường Văn Thân (quận 6) phàn nàn: Trước giờ tôi chỉ mua có một căn nhà mà lần trước đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ nhà đất cũng không xong, vất vả lắm anh ơi ! Có khi, hì hụi kê khai hồ sơ mất cả buổi mà vẫn bị cán bộ thuế yêu cầu làm lại, vì không đạt yêu cầu. Rút kinh nghiệm, tôi kẹp chút đỉnh tiền trong bộ hồ sơ thế là cán bộ thuế “vui vẻ” nhận kê khai hộ luôn.

Còn bà Ngô Hồng Thúy, 55 tuổi, trú quận 8, kể lại trường hợp riêng khá rắc rối của bà khi đi làm thủ tục nộp thuế. Trước đây bà có bán một căn nhà tại quận 6. Sau khi làm xong thủ tục chuyển nhượng và đến giai đoạn đóng thuế, cán bộ thuế yêu cầu bà chứng minh chỉ có một căn nhà duy nhất để khỏi phải nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực trong bản tự khai. Thế nhưng khi bà Thúy đi làm thủ tục bán nhà ở duy nhất thì cơ quan thuế quận lại bắt bà phải chứng minh đủ điều. Dựa trên CMND của bà Thúy (ghi thường trú ở quận 8), cán bộ thuế yêu cầu phải nộp bản phôtô giấy tờ nhà ở quận đó, bản sao hộ khẩu, giấy chứng nhận của phường về việc bà chỉ sở hữu căn nhà duy nhất, do bà Thúy đã ly hôn nên cán bộ thuế yêu cầu phải có quyết định ly hôn kèm theo bản cam kết căn nhà tại quận đó là của riêng bà, không phải của người chồng cũ, giấy chứng nhận độc thân sau khi ly hôn trong các năm…

Bà Thúy nói: “Tôi muốn điên cái đầu khi người ta yêu cầu đủ loại giấy tờ khiến tôi phải đi lại hết lần này đến lần nọ”.

“Từ trường hợp của mình, tôi đề nghị chính quyền rà soát lại việc thực hiện các thủ tục liên quan sao cho đúng quy định, gọn nhẹ, nội dung nào đã được ghi trong văn bản thì cứ theo đó mà làm, đừng bày thêm điều này điều nọ để dân đỡ khổ. Tôi rất mong các quan chức thử một lần trực tiếp đi làm giấy tờ nhà, đất để hiểu vì sao dân kêu và để kịp thời có giải pháp chấn chỉnh. Tránh bổ sung hồ sơ nhiều lần”, bà Ngô Hồng Thúy chia sẻ.

Không những vậy, khâu đăng ký xin cấp chủ quyền nhà cũng lắm nhiêu khê khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm bởi cách làm việc “máy móc” của cán bộ. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Bạch (35 tuổi, quê Bình Dương, trú ở khu dân cư Bình Phú, quận 6). Anh kể với tôi rằng, khi đến đăng bộ tại Phòng Tài nguyên Môi trường quận 6, cứ nghĩ rằng hồ sơ của mình “sạch”, đã qua được “cửa ải” nộp thuế trước bạ thì coi như chẳng còn vấn đề gì nữa. Đến khi nộp hồ sơ, anh mới “té ngửa” bởi cái sổ hộ khẩu cũ của gia đình anh chưa kịp chuyển đổi, vẫn còn ghi địa chỉ ở Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương) nên khi xem xét, cán bộ từ chối tiếp nhận.

Họ bảo rằng, đối chiếu hợp đồng công chứng có ghi địa chỉ thường trú của anh ở số nhà, số ấp, tên xã nằm tại TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương so với sổ hộ khẩu ghi là TX Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé là không trùng khớp ở địa danh tỉnh nên không thể đăng bộ được. Anh Bạch phân bua: Nhìn vào địa danh TX Thủ Dầu Một cũng có thể biết là tôi ở tỉnh Bình Dương rồi. Thế nhưng họ vẫn cương quyết không nhận hồ sơ vì cho rằng địa danh tỉnh Sông Bé không còn tại.

Anh Bạch bức xúc nói: “Họ yêu cầu tôi hoặc là phải hủy hồ sơ công chứng khi mua bán nhà để lập hợp đồng công chứng mới có ghi địa chỉ thường trú ở tỉnh Sông Bé để trùng khớp với sổ hộ khẩu cũ. Mà nếu như làm theo yêu cầu này thì tôi phải làm lại thủ tục nộp thuế trước bạ hay sao ?

Đó là chưa kể rủi ro khi hủy hợp đồng công chứng với người bán nhà? Họ cũng đề nghị hoặc là tôi phải về tỉnh Bình Dương để chuyển sang hộ khẩu mới có ghi tỉnh Bình Dương (trong trường hợp này thì với số nhà máy mới, số ấp mới lại khác với hộ khẩu cũ thì liệu có trùng khớp với hợp đồng công chứng?) hoặc phải có đóng dấu xác nhận của công an TX Thủ Dầu Một (nay đã chuyển thành thành phố Thủ Dầu Một) là tỉnh Sông Bé bây giờ đã chuyển thành tỉnh Bình Dương (trong trường hợp này tôi phải về công an xã để xin làm thủ tục rồi mới chuyển lên cấp công an thị xã giải quyết). Có thể nói các yêu cầu của cán bộ nhà đất khiến tôi phải tốn khá nhiều thời gian đi lại, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, nói chung là quá nhiêu khê, khổ ải chỉ vì cái hộ khẩu!

Từ trường hợp của chị Thúy, anh Bạch và nhiều trường hợp khác, có thể thấy rằng tình trạng cơ quan chức năng giải quyết gây phiền hà vẫn còn khá phổ biến. Một số cán bộ, công chức tiếp nhận xử lý hồ sơ hướng dẫn không rõ ràng, máy móc khiến người dân bị hành hạ đi lại nhiều lần. Không những vậy còn yêu cầu nộp thêm những giấy tờ không có trong quy định đã thật sự gây khó dễ cho người dân.

Xem ra, bên cạnh vòng xoáy bất động sản thật giả lẫn lộn thì vấn đề thủ tục hành chính rối rắm, lằng nhằng cũng là một câu chuyện đầy nan giải!
 

DiaOcOnline.vn - Theo Petrotimes