Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết ước tính có khoảng 40.750 tỉ đồng đang nằm trong lượng hàng tồn kho của thị trường bất động sản, và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực này.
Một khu dân cư tại phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng |
Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngày 12-11, bên cạnh vấn đề về chất lượng xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết số liệu trên được tổng hợp từ 44 tỉnh thành trên cả nước, dựa trên tiêu chí các dự án đã hoàn thành xây dựng, dự án đã đủ điều kiện bán hàng, hoặc những dự án đất nền đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa bán được.
Tuy nhiên, số lượng tồn kho còn lớn hơn nhiều nếu tính luôn cả những dự án đang xây dựng dang dở, chủ đầu tư mới đầu tư khoảng 20-30% và đã huy động một phấn vốn góp của người mua nhà.
Ông Dũng cho biết một trong những giải pháp bộ đưa ra là cho rà soát lại, dự án nào chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang dang dở thì cho dừng lại hoặc giãn tiến độ. Đồng thời giúp các chủ đầu tư cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với khả năng của người mua, chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Hỗ trợ tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thuế giá trị gia tăng (VAT) cho người mua nhà được xem là một giải pháp ngắn hạn giúp giải quyết hàng tồn kho. Trong dài hạn, nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định và tăng cường kiểm soát các dự án đô thị phát triển theo quy hoạch.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận hiện việc phát triển các khu đô thị không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội khiến người mua nhà không đủ điền kiện sinh sống, trong khi chủ đầu tư chỉ muốn xây cho nhanh để bán.
Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực, và do vậy việc tháo gỡ cần một giải pháp tổng thể và không thể khẳng định có thể tháo gỡ khó khăn ngay cho thị trường được mà là từng bước một.
Ngoài ra, vấn đề chất lượng xây dựng công trình cũng được các đại biểu quan tâm, từ đập thủy điện cho đến các công trình dân dụng, và trách nhiệm của Bộ Xây dựng tới đâu khi để các công trình gây sự cố vì chất lượng xây dựng kém.
Ông Dũng cho biết nếu được Chính phủ thông qua, sắp tới quy trình kiểm soát chất lượng xây dựng sẽ chặt chẽ hơn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham gia vào dự án ngay từ đầu thay vì để các chủ đầu tư tự thuê tư vấn, giám sát như hiện nay, nghĩa là tiền kiểm chứ không hậu kiểm.
Một vấn đề các đại biểu quan tâm nữa là việc xử lý Tập đoàn Sông Đà ra sao và trách nhiệm của Bộ Xây dựng tới đâu sau khi đã xác định sai phạm của tập đoàn này khoảng 10.676 tỉ đồng với năm nhóm sai phạm, trong đó có đầu tư ngoài ngành.
Đại diện thanh tra nhà nước cho biết tập đoàn này đã khắc phục sai phạm khoảng 5.000 tỉ đồng và đang tiếp tục khắc phục nên chưa tiến hành kiểm điểm những người sai phạm trong tập đoàn này.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: