Top

Mua đứt bán đoạn nhà ở sẽ không tồn tại lâu

Cập nhật 18/07/2011 15:55

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỷ trọng nhà cho thuê trong tổng cung nhà ở mới dừng lại ở 1,6% là quá thấp. Để chuyển dịch cơ cấu, đẩy mạnh BĐS cho thuê, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn, thuế và nhiều ưu đãi khác tới đây.


Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) nhân đại hội nhiệm kỳ 3 của Hiệp hội BĐS VN hôm 16/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn, cũng là lúc chúng ta nhìn nhận lại, phát hiện ra các bất cập và có các giải pháp phù hợp để khắc phục.

"Thị trường sẽ phát triển đi lên. Tất nhiên là phải sau khi chúng ta thực hiện xong Nghị quyết 11 của Chính phủ về chống lạm phát, ổn định vĩ mô" - Phó Thủ tướng dự báo,

Đồng thời, ông nêu ra 5 vấn đề chính mà các bên tham gia cần tháo nút thắt cho thị trường. Trong đó đáng chú ý là mong muốn của Chính phủ trong việc phát triển, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng nhà cho thuê, so với nhà để bán hiện nay.

Ông Hoàng Trung Hải nói: "Chúng ta hiểu rằng văn hóa mua bán nhà kiểu mua đứt bán đoạn như hiện nay là không thể tồn tại lâu được vì người dân của ta thu nhập không cao. Vì thế phải phát triển nhiều mô hình doanh nghiệp xây nhà cho thuê.

Việc này Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng đưa ra mục tiêu phát triển hệ thống BĐS cho thuê. Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lĩnh vực này về vốn, thuế và nhiều ưu đãi khác".

Song song với đó, nhà ở để bán cũng cần tập trung vào vấn đề tăng khả năng tiếp cận của người mua, đặc biệt là người mua cuối cùng. Bởi lẽ, về phần mình, các chủ đầu tư cũng đều muốn bán sản phẩm đến người mua cuối cùng vì như vậy tạo được thanh khoản nhanh hơn, chứ không phải mong muốn tạo ra đầu cơ.

"Thị trường BĐS của chúng ta có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng nhìn lại thì các quốc gia khác vấp phải khủng hoảng kinh tế cũng đều bắt nguồn từ thị trường BĐS. Chính vì vậy, lúc này chúng ta phải căn cơ trong công tác quản lý để đảm bảo phát triển bền vững. Khi khủng hoảng đổ vỡ thì tất cả các thành viên đều bị thiệt hại. Đây là 1 thách thức rất lớn, mong Hiệp hội tập trung tham luận, góp sáng kiến".

Ngoài khuyến nghị nên trên, ông Hoàng Trung Hải còn chỉ đạo Hiệp hội BĐS VN phải bám sát thị trường, tập hợp, nghiên cứu và đề xuất với các cấp nhà nước thẩm quyền các mô hình, cơ chế hạn chế đầu cơ, bao gồm chế độ thuế, công tác kiểm tra rà soát, hoạt động mua bán qua sàn; nêu ý kiến lược hóa quy trình thủ tục phát triển dự án BĐS, quy hoạch và giám sát quy hoạch, hướng tới nhanh chóng, hiệu quả, đồng bộ; đóng góp vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra cơ sở khuôn khổ pháp lý minh bạch, bền vững cho thị trường.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, để chấn chỉnh thị trường, cần phải chú trọng việc kiểm soát dòng vốn đầu tư, cân đối nguồn vốn đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thị trường; đa dạng hóa các loại hình nhà ở, tăng tỷ trọng nhà chung cư cao tầng tại đô thị, nhà cho thuê, bởi lẽ nếu ở đâu cũng đòi sở hữu nhà liền thổ thì sẽ đến lúc VN không còn đất để chia.

"Những cơn sốt nhà đất thời gian vừa qua chỉ phát đi tín hiệu sai lệch về nhu cầu và sức mua trên thị trường dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ồ ạt đầu tư bất động sản kể cả doanh nghiệp ít kinh nhiệm và năng lực tài chính yếu, tập trung quá nhiều phân khúc bất động sản cao cấp, các dự án thiếu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị dẫn đến hiện tượng dư cung" - ông Quân lý giải.

Ông Quân cho rằng, Hiệp hội với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phải đi sâu nghiên cứu để có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa tới các cơ quan chức năng, gắn kết giữa các bên cùng tiến tới một mục tiêu chung là phát triển ổn định, lành mạnh thị trường BĐS.

Hiệp hội BĐS Việt Nam hiện thu hút 1.207 hội viên. Trong đó 1/3 số này đang hoạt động ở mảng dịch vụ - kinh doanh BĐS. Đại hội nhiệm kỳ III (2011-2016) vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Trần Nam tái đắc cử chức danh Chủ tịch Hiệp hội.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN