Top

Một vấn đề cần được quan tâm của các cao ốc tại trung tâm thành phố.

Cập nhật 07/09/2007 15:00

Bao nhiêu vụ nổ vì gas trong những năm qua đã gây thiệt hại lớn. Nhưng đó chỉ là những vụ nổ ở các căn nhà thấp. Trong khi đó, việc mỗi hộ tự cung cấp gas tại các chung cư cao tầng đang vi phạm các quy định an toàn về cháy nổ, nhưng sự vụ hầu như bỏ ngỏ, vì 90% chung cư cao tầng trong TP.HCM không hề có hệ thống cung cấp gas trung tâm

Theo nguyên tắc của phòng cháy chữa cháy, của ngành chức năng là không được mang bình gas vào thang máy. Thế nhưng, những bình gas tiêu dùng thông thường vẫn được “chuyển lên cao vài chục tầng... bằng thang máy là chuyện hàng ngày mà có mấy ai để ý, thang bộ có đó nhưng sao vác nổi!”, kỹ sư xây dựng Lý Nguyễn Bảo Trọng – giám đốc Công ty Nhật Duy nói. Chuyện dễ hiểu, ở chung cư, cao ốc cao tầng... không có hệ thống cung cấp gas cộng đồng, tập thể, không mua bình gas lấy gì làm bếp.

90% cao ốc tại trung tâm thành phố không có hệ thống gas trung tâm

Hiện tại, theo các nhà chuyên môn trong ngành xây dựng thì những cao ốc chung cư cần phải có hệ thống gas trung tâm – nơi cung cấp gas cho những căn hộ trong toà nhà, “chứ không thể mỗi căn, một bình gas 12kg!”. Những cao ốc mới ở những vùng ven thành phố, có đất rộng, vị trí thuận lợi như Phú Mỹ Hưng, các công trình của công ty Conic... thì có hệ thống gas trung tâm. Còn những cao ốc tại “trung tâm thành phố chỉ có khoảng 10% đơn vị có hệ thống cung cấp gas tập thể này!”, KS Bảo Trọng – người từng tham gia xây dựng những cao ốc nội thành nói.

Hệ thống gas trung tâm thường phải nằm cách công trình cao tầng khoảng 30m, nhưng cũng tuỳ theo hiện trạng xây dựng và thiết bị lắp đặt, mà có thể gần hơn. Kể cả khi xây lắp xong phải trình cơ quan chức năng phòng cháy chữa cháy kiểm định quy chuẩn – phải có lối ra vào trung tâm thuận tiện để giải cứu khi có sự cố... Ví dụ, gắn nổi (đặt trên mặt đất) hay chìm (đặt âm xuống lòng đất); hoặc loại 80-100kg, cả 500kg nối tiếp nhau cung ứng gas cho nhóm căn hộ trong cao ốc. Mỗi hộ đều có đồng hồ gas như đồng hồ điện, nước để thanh quyết toán số lượng sử dụng hàng tháng. Việc lắp đặt này hiện có nhiều công ty chuyên thiết kế và cung ứng dịch vụ này.

Tiêu chuẩn có, nhưng chưa có biện pháp chế tài?

Ông Phan Văn Hoàng, công ty HTV (Provimex) – đơn vị chuyên thực hiện hệ thống gas nóng, gas lạnh cho các công trình, cao ốc cho rằng, cứ tính thử, “mỗi nhà 12kg gas, 100 căn hộ sẽ là 1.200kg, nếu cháy, nguy hiểm càng cao”. Mặt khác, áp lực từ bồn chứa chung cung cấp gas rất thấp, chỉ 0,028kg/cm3. Về hệ thống gas trung tâm cho các cao ốc chung cư, ông Hoàng cho biết, những cao ốc đó từ năm 2004 trở về trước hầu hết không có hệ thống gas cung cấp chung; “hiện nếu có chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Theo quy định của PCCC, Bộ xây dựng trong TCXDVN 377 và 387 năm 2006 thì “tiêu chuẩn cung cấp khí đốt, cháy nổ trong nhà ở đều được đề ra, nhưng dường như thấy ít đơn vị triển khai. Và việc này cũng chưa thành văn bản hẳn hoi mà chỉ như là vấn đề khuyến cáo”, ông Hoàng nói.

Kiến trúc sư Lê Hồng Chương - người từng thiết kế những cao ốc có hệ thống gas trung tâm có cũng như... không có - nói: “Ở các nước tiên tiến, việc sử dụng gas đều được cung cấp như dịch vụ điện, nước tại Việt Nam. Cho nên, “không riêng nhà cao tầng, cao ốc, chung cư, cứ sử dụng gas đơn lẻ - mỗi nhà một bình sẽ nhiều nguy cơ cháy nổ hơn và chưa thấy có một chế tài nào về việc này!”.

Theo N.T - Sài Gòn Tiếp Thị