Top

Một bài toán khó

Cập nhật 26/12/2008 09:37

Trao đổi với PV báo Hà nội mới về công tác quản lý đô thị hiện nay, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm đề xuất: "Chính quyền phải ra "đề bài", nhà đầu tư nào giải được "đề bài" đó thì mời vào. Quản lý đô thị là phải bỏ công sức, không phải chỉ có đồng ý hay không đồng ý với đề xuất của nhà đầu tư"...

* Thưa ông, hiện nay có tình trạng “xen cấy” các tòa nhà cao ốc trong khu vực nội thành, gây ra tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi, vấn đề không phải là cấm hoàn toàn việc xây dựng cao ốc trong nội thành cũ. Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu của người dân tăng lên, phải đầu tư để đáp ứng nhu cầu đó. Vấn đề ở đây là cân nhắc kỹ lưỡng chứ không thể chỗ này làm thế này, chỗ kia làm thế kia. Thực tế là chúng ta chưa có quy hoạch nào rõ ràng và cũng chưa có thái độ cương quyết thực hiện theo quy hoạch. Nhà đầu tư muốn xây chỗ nào họ xin chỗ đó. Việc xây xen như thế rất bất tiện, năm nay công trình này vừa hoàn thành, sang năm công trình khác cạnh đó lại khởi công, khiến cho thành phố luôn trong tình trạng như công trường xây dựng. Chưa kể trường hợp nhà cao tầng xây lên kéo theo những nhà xung quanh bị lún, nứt... Trong quản lý đô thị có khái niệm về sức chịu tải đô thị, “tải” ở đây được hiểu là các hoạt động của đô thị. Các hoạt động được đưa vào thì khu vực đó có chịu được hay không?

* Nhưng dường như các dự án đều được các ngành xem xét trước khi quyết định, thưa ông?

- Như đã nói, là chúng ta chưa có quy hoạch rõ ràng và xem đó như “cái nhìn tổng thể”, nên có tình trạng sở này chỉ lo cấp phép đầu tư, sở kia chỉ xem xét các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình... Trong khi đó, việc cho phép đầu tư công trình ở địa điểm nào đó cần phải được nhìn tổng thể chứ không đơn giản chỉ là xây cao hay thấp. Hay nói cách khác, chính quyền đô thị phải ra “đề bài”, chỗ nào được đầu tư gì, cao bao nhiêu, phải đáp ứng các điều kiện nào... nhà đầu tư nào giải được “đề bài” đó thì chúng ta mời vào, chứ không đơn giản là đồng ý hay không đồng ý với đề nghị của chủ đầu tư.

* Thưa ông, như vậy khu vực nội thành Hà Nội (cũ) có nên phát triển quá nhiều cao ốc?

- Như đã nói chúng ta phải cân nhắc kỹ bằng cái nhìn tổng thể. Chẳng hạn, muốn bảo đảm sự tôn nghiêm của một cơ quan hay công trình nào đó thì xung quanh nó không thể có cao ốc chọc trời. Thực tế, chúng ta đã có quy định khu vực xung quanh Ba Đình, để giữ sự tôn nghiêm của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không cho phép công trình khác xây cao hơn. Mặt khác, chúng ta còn phải cân nhắc về hạ tầng kỹ thuật xem có đáp ứng được hoạt động khi đưa công trình vào khai thác không. Có trung tâm thương mại đang được xây dựng nằm ở đầu mối giao thông cả nội đô lẫn đường sắt Bắc - Nam là không phù hợp. Bởi trung tâm thương mại thu hút người đến mua - bán làm cho giao thông vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn.

Hay câu chuyện thời sự hiện nay là chuyển các chợ thành trung tâm thương mại cũng cần cân nhắc, vì không phải bất cứ nơi nào là chợ cũng phù hợp với trung tâm thương mại, siêu thị. Siêu thị là nơi bán hàng trong nền sản xuất lớn, khi đất nước phát triển đến mức nào đó, dần dần chợ sẽ mất đi, siêu thị sẽ thay thế. Nhưng, hiện tại chợ vẫn giữ vị trí quan trọng. Nếu chúng ta xóa chợ để biến thành siêu thị, chắc chắn chợ cóc sẽ mọc lên do nhu cầu bên mua, bên bán vẫn còn.

* Vậy theo ông, quản lý đô thị hiện nay nên đi theo cách nào?

- Đất đai trong đô thị được chia thành 3 khu vực: đã xây dựng; đang hoặc sắp xây dựng và không được xây dựng. Nội thành Hà Nội hiện là khu vực đã xây dựng, nên trước hết phải giữ được bản sắc của đô thị đã có. Đúng là Hà Nội còn nhiều ngổn ngang chưa thể bằng lòng, nhưng khách nước ngoài đến đều nhận thấy Hà Nội có một bản sắc khác hẳn các đô thị khác của Việt Nam cũng như khu vực.

Vấn đề tiếp theo, giữ bản sắc nhưng vẫn phải phát triển, mà theo kinh nghiệm các nước có 3 phương thức xây dựng trong khu vực đô thị đã xây dựng. Một là xóa sổ từng khu phố, xây lại nếu khu đó không có bản sắc và không phải giữ, ví dụ như các khu ổ chuột. Bắc Kinh và gần với chúng ta hơn là TP Nam Ninh (Trung Quốc) cũng làm thế. Việc phá đi, xây dựng lại toàn bộ mang lại kiến trúc thống nhất không có sự lộn xộn, tạo điều kiện thâm dụng đất đai đô thị. Thâm dụng ở đây được hiểu là khai thác đất đai nhiều hơn, ngoài mặt bằng có thể khai thác ngầm hoặc trên cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây lại, quy hoạch phải tăng thêm hạ tầng, bởi câu chuyện mật độ dân số tăng hay giảm là câu chuyện hạ tầng kỹ thuật có đáp ứng được hay không. Nhà thấp mà kết cấu hạ tầng không có cũng hết sức lúng túng.

Phương thức thứ 2 là không phá cả mà chỉ sửa chữa hoặc xây lại một vài công trình do quá xấu, không phù hợp; cũng có thể xây mới thêm ở nơi có quỹ đất rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Phương án này cũng phải có quy hoạch rõ ràng, phù hợp nhằm mục đích giữ gìn và tạo ra bản sắc. Phương thức thứ 3, chỉ hiện đại hóa kết cấu hạ tầng chứ không xây lại. Kết cấu hạ tầng ở đây là hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước và cả công trình ngầm cho tàu điện đô thị... để hoạt động xã hội tốt hơn, không ảnh hưởng đến bản sắc, kiến trúc đô thị vốn có.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới