Cách làm ăn chộp giật của một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc đã khiến cho nhiều người có định kiến xấu với nghề môi giới bất động sản. Tuy nhiên, đây là một ngành nghề được pháp luật thừa nhận, có vai trò quan trọng với thị trường và đem lại nhiều cơ hội cho những lao động trẻ.
Nghề môi giới địa ốc là một nghề cần thiết và rất quan trọng của ngành bất động sản. ảnh: Dũng Minh
Những con sâu làm rầu nồi canh
Dù hiện cả nước hiện có hơn 418.200 người có trình độ chuyên môn không có việc làm, nhưng ngành kinh doanh bất động sản lại thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Hầu hết các công ty kinh doanh bất động sản đều có chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động, nhưng nhiều tháng trời vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay cả những tập đoàn lớn như FLC, C.T Group, Hưng Thịnh, Nhà Thời Đại… cũng không thể tuyển được đủ chỉ tiêu lao động mình cần.
Vì sao người lao động không muốn làm việc, kể cả cho những công ty danh tiếng, dù lương, phúc lợi, môi trường làm việc ở các công ty này luôn ở mức tốt nhất có thể?
Một trong những lý do chính là tâm lý người lao động ngán ngại khi chọn nghề môi giới bất động sản, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Tính chất của ngành nghề này còn khá mơ hồ trong tâm trí của người trẻ tuổi. Theo họ, đó là nghề vô cùng cực khổ và đánh đồng nghề này với “cò”. Cho rằng những “cò” luôn là kẻ môi mép, không chân thật và gian dối, nên họ không muốn theo nghề này và không muốn bị bạn bè nhạo báng. Rõ ràng, với ý nghĩ tiêu cực ấy, nghề môi giới bất động sản dần dần bị nhiều người lao động xa lánh. Đây là điều không công bằng với một ngành nghề đã được pháp luật thừa nhận và rất cần thiết với lĩnh vực bất động sản.
So với các ngành nghề khác, nghề môi giới địa ốc chỉ có mức lương trung bình. Ở góc độ doanh nghiệp, trung bình một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc thường có ít nhất 100 nhân viên kinh doanh, nên bài toán lương, thưởng và thu nhập, tạo sự công bằng để nhân viên nỗ lực và an tâm cống hiến là bài toán khó cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay có một số doanh nghiệp làm dịch vụ môi giới không trả lương cố định cho người lao động. Đó là hành động chưa đúng đắn, không phù hợp với ngành nghề kinh doanh địa ốc chân chính, nhất là người lao động tại Hà Nội và TP. HCM, bởi phần lớn người lao động ở đây là người nhập cư, họ cần một khoản chi phí cơ bản để mưu sinh và phát triển nghề nghiệp…
Cũng chính vì hành động này của một số doanh nghiệp đã đánh mất ít nhiều lòng tin của người lao động với nghề môi giới bất động sản, khiến nhiều bạn trẻ e dè với ngành nghề này. Có thể, khi tuyển dụng, các doanh nghiệp này vẽ ra miếng mồi “hoa hồng hấp dẫn” để thu hút người lao động, nhưng “bụng đói, tay run, ý chí chùn”, thì làm sao người lao động có thể cống hiến cho doanh nghiệp. Đó là bài học về đạo đức nghề nghiệp mà một số doanh nghiệp dịch vụ môi giới cần phải lưu tâm.
Cơ hội cho lao động trẻ
Như đã nói ở trên, nghề môi giới địa ốc không tiêu cực như các bạn trẻ nghĩ. Một môi giới địa ốc chuyên nghiệp phải hội đủ các yêu cầu cơ bản như có chứng chỉ hành nghề, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và thái độ làm việc chuyên nghiệp… Một môi giới chân chính chỉ bán “giải pháp” an cư, hay kênh đầu tư tốt nhất cho khách hàng, chứ không chỉ vì mục tiêu bán cho được sản phẩm mà tư vấn gian dối, quên đi đạo đức nghề nghiệp.
Đối với các sinh viên mới ra trường, tham gia vào nghề môi giới bất động sản sẽ giúp các bạn được đào tạo tính dạn dĩ, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình trước đám đông. Được hòa mình vào môi trường làm việc năng động, kích thích tính làm việc độc lập trong mỗi cá nhân. Ngoài ra, các bạn còn có cơ hội được mở rộng mối quan hệ, giao lưu với đồng nghiệp và các khách hàng thuộc giới trung, thượng lưu. Với cá tính dạn dĩ, mối quan hệ rộng khắp và được đào tạo trong môi trường làm việc năng động, cạnh tranh và chuyên nghiệp, sẽ giúp bạn trẻ tuổi sớm thành công trong sự nghiệp, cũng như trong cuộc sống.
Với các lao động trẻ, chúng ta không nên ngại khó mà đánh mất cơ hội phát triển nghề nghiệp. Theo đuổi nghề nào cũng vậy, đều phải có sự đầu tư nghiêm túc, nhìn nhận đúng bản chất của nghề một cách công tâm. Chúng ta có thể làm việc trái ngành, nhưng vẫn thành công. Thực tế, có nhiều doanh nhân thành đạt đã thành công khi làm việc trái ngành như ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Trung Nguyên), tốt nghiệp Đại học Y khoa, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) tốt nghiệp kinh tế địa chất, ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch Hoa Sen), tốt nghiệp trung cấp giao thông…
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: