Top

Mở luồng tàu biển: Tiền đề cho vùng TPHCM phát triển

Cập nhật 27/04/2009 09:10

Hôm nay, 27-4, được sự chấp thuận của Chính phủ, TPHCM sẽ triển khai nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp, một luồng tàu biển thứ 2 sau luồng tàu biển trên sông Lòng Tàu, cho tàu biển có trọng tải lớn hơn có thể ra, vào cụm cảng TPHCM và một số tỉnh thành khác trong vùng TPHCM.

Luồng tàu biển cho TPHCM

Cứ đến TPHCM vào giờ xe tải, xe container được phép chuyên chở hàng hóa ra, vào các cảng biển nằm sâu trong nội thành, mới thấy hết sự quá tải, ngột ngạt và nguy hiểm.

Diện tích kho tàng, bến bãi, cầu cảng hình thành từ hàng trăm năm trước giờ đã trở nên chật hẹp trước yêu cầu phát triển mới của cả vùng TPHCM.

Đường giao thông với các cảng tuy đã được mở rộng, cải tạo nhưng vẫn liên tục tắc nghẽn. Từng đoàn xe container, xe tải chạy rầm rầm suốt ngày đêm đã làm cho khu vực xung quanh cảng luôn trở thành điểm nóng về an toàn giao thông…

Tất cả những điều này đã buộc Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành nằm trong vùng TPHCM phải tính toán lại sự phát triển của hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn. Một quyết định táo bạo: di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TPHCM, đã ra đời.

Quyết định này đồng thời giải quyết được hai vấn đề: đối với hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn, ra vùng đất mới sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa và đối với TPHCM, sẽ góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, tạo điều kiện cho TPHCM có thể tổ chức điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian đô thị.

Trên cơ sở này, năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt đồng thời 2 quy hoạch: di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son ra khỏi nội thành TPHCM cùng quy hoạch phát triển Nhóm cảng biển số 5 (TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu). Việc xây dựng một luồng tàu biển mới cho TPHCM và các tỉnh trong vùng để có thể tiếp nhận đội tàu viễn dương với kích thước ngày càng lớn, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thực ra, từ những năm 1990 của thế kỷ trước, khi quyết định chiến lược phát triển TPHCM về phía Nam, hướng ra biển, lãnh đạo TPHCM đã giao cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) tìm kiếm một luồng tàu biển mới cho thành phố.

Theo ông Phan Hồng Quân, Tổng Giám đốc IPC, trong bối cảnh ấy, sông Soài Rạp - một nhánh của hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đổ ra biển qua ngã TPHCM, Long An, Tiền Giang trở thành tâm điểm của mọi sự tìm kiếm.

Hơn 100 năm về trước, do có vài điểm cạn ở ngoài cửa, nên sông Soài Rạp không được chọn làm luồng tàu biển cho TPHCM. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của nhiều tư vấn trong và ngoài nước đã cho thấy, nếu được nạo vét đúng cách, sông Soài Rạp có đầy đủ điều kiện để trở thành một luồng tàu biển có khả năng tiếp nhận được tàu biển lớn ra, vào.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc dự án của Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật Biển (Portcoast) - tư vấn chính nghiên cứu luồng tàu biển Soài Rạp khẳng định: Luồng Soài Rạp rất ít biến đổi về mặt hình thái, các đoạn sâu càng ra biển càng rộng hơn và đặc biệt ít bồi lắng.

Theo nghiên cứu của Portcoast, luồng Soài Rạp có thể nạo vét đến âm 12m (tương đương với luồng tàu biển Thị Vải, được nạo vét nằng vốn ODA Nhật Bản) nhưng trước mắt để phù hợp với sự phát triển của các cảng ở đây, luồng sẽ được nạo vét xuống 9,5m để có thể đón tàu 3 vạn DWT đầy tải và 5 vạn DWT vơi tải ra vào.

Công việc nạo vét này sẽ là cơ sở cho việc hình thành ở khu vực Hiệp Phước (nơi Soài Rạp chảy qua) một đô thị cảng hiện đại. Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư trong nước và đặc biệt có nhiều nhà đầu tư cảng hàng đầu trên thế giới đến xây dựng cảng ở đây.

Và luồng tàu biển cho vùng TPHCM, các tỉnh Nam bộ

Ở khu vực phía Nam, cùng với việc nạo vét luồng Soài Rạp, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang khẩn trương triển khai xây dựng luồng tàu biển lớn ở Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh). Đây là những quyết định nhằm phát triển kinh tế vùng TPHCM và các tỉnh Nam bộ khác. Tuy nhiên, để hình thành nên những thương cảng sầm uất ở những khu vực này cần phải có thời gian và một số điều kiện cơ bản khác.

Vùng Cái Mép-Thị Vải có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho cảng biển phát triển nhưng nơi đây đường giao thông vào cảng chưa thuận lợi; các luồng hàng hóa quan trọng cũng chưa quen với “địa chỉ” này. Thực tế cho thấy, mặc dù được đầu tư mạnh mẽ, song tốc độ phát triển hoạt động hàng hải ở Cái Mép-Thị Vải vẫn chưa thể bằng TPHCM.

Cách đây hơn 1 năm, một đoàn làm việc liên bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư… kiểm tra tình hình thực hiện triển khai xây dựng cảng theo quy hoạch ở TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai đã đưa ra kết luận này. Hoạt động hàng hải ở các tỉnh miền Tây Nam bộ lại còn ở trong tình trạng khó khăn hơn.

Do luồng tàu biển ở đây bị bồi lắng thường xuyên nên tàu lớn không thể ra, vào. Hầu hết hàng hóa của miền Tây Nam bộ vẫn phải xuất tại các cảng biển của TPHCM. Việc hình thành luồng tàu biển trên kênh Quan Chánh Bố tuy đang được quyết liệt triển khai song cũng phải mất vài năm nữa mới có thể hoàn thành.

Trong thời gian ấy, hệ thống cảng biển ở TPHCM vẫn phải đóng vai trò chủ động trong hoạt động giao thông hàng hóa bằng đường biển. Không nơi nào khác mà chính hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước phải gánh vác nhiệm vụ này.

Hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước không chỉ là thương hiệu “cảng Sài Gòn” trong hoạt động hàng hải quốc tế mà còn có những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển. Đó là khu công nghiệp Hiệp Phước rộng hàng ngàn hécta và một đô thị cảng – công nghiệp Hiệp Phước đang dần hình thành, làm “chỗ dựa” cho hệ thống cảng biển ở đây phát triển.

Trong tương lai, khi các cụm cảng Thị Vải-Cái Mép hay kênh Quan Chánh Bố hình thành, thì vị thế của hệ thống cảng Hiệp Phước cũng không vì thế mà giảm sút. Nhiều chuyên gia kinh tế đã tính toán, với mức độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng thì việc có nhiều luồng tàu biển lớn sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế phát triển.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng