Kết thúc hai tuần nghỉ Tết Nguyên đán, hiện nay nhiều trường đại học đã bắt đầu học trở lại. Nhiều sinh viên “đón” kỳ học mới với trăm khoản đổ lên đầu như: Học phí, phí sinh hoạt hằng ngày, tiền nhà trọ… bên cạnh đó nhiều bạn méo mặt phải gánh thêm khoản giá nhà và dịch vụ tăng sau tết.
Ảnh minh họa.
|
Giá nhà tăng lên kéo theo phí dịch vụ ở trọ tăng
Sau tết nhiều chủ trọ bắt đầu tăng giá phòng cho thuê của mình với nhiều lý do như: Thấy nhà bên cạnh tăng giá, nhà mình cũng tăng, hay tự viện cớ giá điện, nước tăng nên các dịch vụ trong khu nhà cũng tăng. Nhiều nhà còn dùng “độc chiêu” báo cho người thuê một tuần, trước khi hết tháng sẽ tăng tiền phòng. Nếu người thuê đồng ý thì ở, không thì trả phòng…
Bạn Lê Phương Quỳnh, sinh viên năm cuối ĐH Sư phạm Hà Nội trọ Cầu Giấy chia sẻ: “Sắp về tết, bác chủ trọ nhà thông báo sẽ tăng tiền phòng, điện, nước và các dịch vụ trong khu trọ. Trong khi đó, chúng em vừa mới ở được 3 tháng mà đã tăng liên tục mấy lần phí dịch vụ rồi”. Chính vì vậy, để không bị đóng thêm tiền nhà tháng tới, Quỳnh và bạn cùng phòng của mình đã phải tìm chỗ trọ mới.
Dẫu biết mình rơi vào thế bị động, bị bóc lột trắng trợn nhưng nhiều người vẫn cắn răng chịu đựng. Anh Nguyễn Văn Hải (30 tuổi) trọ ở Vĩnh Tuy chia sẻ: “Chúng tôi thuê nhà chỉ để về ngủ qua đêm, chẳng làm gì mà cứ tăng giá trọ phi lý khó chấp nhận được. Mà đặc thù nghề của tôi đi làm suốt bởi vậy không có thời gian đi tìm nhà, đành chấp nhận ở dù có tăng giá. Nhưng sinh viên thì méo mặt thật, nhiều đứa bỏ học mà đi tìm nhà ấy chứ”.
Tăng giá đột ngột, nhiều sinh viên dở khóc, dở cười bấm bụng chấp nhận thuê phòng với giá cắt cổ, nếu không ở thì phải nghỉ học đi tìm phòng. Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh viên năm nhất ĐH Ngoại Thương chia sẻ: “Chúng em vừa nghỉ tết ở quê ra chân ướt, chân ráo về đến phòng thì bác chủ báo ngay tin “sốt” tăng tiền nhà mà mấy đứa tái cả mặt. Nhưng không ở thì phải chuyển đi vì ngày mai hết hợp đồng. Đành phải bấm bụng thuê thêm một tháng nữa, trong thời gian tìm được chỗ trọ mới”.
Không cam chịu cảnh bị bóc lột, bạn Lê Thị Hoa, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí đã quyết định chuyển đi ngay sau khi hết hợp đồng. Bạn chia sẻ: “Nhà chỉ có 20m2, giá thuê 2,8 triệu đồng. Sau 6 tháng tăng lên 3 triệu đồng/tháng, mỗi lần tăng 10%...”.
Lợi dụng kẽ hở hợp đồng để tăng giá trọ
Nhiều chủ trọ lợi dụng hợp đồng không ghi rõ các điều khoản, không có xác nhận của cơ quan chức năng để tăng tiền trọ kiếm thêm lợi nhuận cho mình.
Đáng nói hơn nữa, hiện nay nhiều người đi thuê trọ và chủ nhà chỉ có thỏa thuận về giá nhà, điện, nước… bằng miệng. Vì thế khi chủ nhà muốn tăng giá theo ý mình, người thuê không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình. Và vô tình những người đi thuê phải gánh chịu phần thiệt thòi.
Bạn Hoa chia sẻ: “Tìm nhà mất cả tháng trời nhưng chưa ở được bao lâu đã bị tăng giá, chủ trọ lợi dụng nhiều kẽ hở của hợp đồng để tăng giá mà người thuê trở tay không kịp”.
Tăng tiền nhà đồng nghĩa giá các dịch vụ cũng tăng. Theo khảo sát của PV tại các khu trọ ở Cầu Giấy, Chùa Láng, Vĩnh Tuy… giá các dịch vụ: Nước tăng từ 70 lên 120 nghìn đồng/ người, phí gửi xe từ 90 lên 120 nghìn đồng/ tháng. Đi thang máy 30 nghìn đồng/ tháng, trong khi đó nhiều nơi thang máy chỉ được sử dụng đến 23 giờ. Giá điện từ 4 - 5 nghìn đồng/ số lên 6 nghìn đồng/ số. Nước từ 80 lên 100 nghìn đồng/ người. Phí gửi xe từ 90 lên 110 nghìn đồng/ tháng, rác từ 20 lên 30 nghìn đồng/ tháng.
Phòng có diện tích 20m2, khép kín có giá dao động từ 2,5-3,5 triệu đồng/phòng. Phòng không kép kín có giá từ 1,2-2,5 triệu đồng/phòng (tùy từng khu vực nội thành hay ngoại thành). Mỗi phòng tăng từ 100-200 nghìn đồng so với trước tết.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: