Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tuyến đường Voi phục - Cầu Giấy chỉ là con đường nhỏ, nơi gặp nhau của đường La Thành và Kim Mã, rất gập ghềnh khó đi.
Đường Đào Tấn hiện nay vào thời điểm đó còn chưa có tên trên bản đồ. Vườn thú Hà Nội lúc đó nằm lọt thỏm giữa hồ nước và các xóm làng, không ai dại gì đến đây thuê đất kinh doanh.
Chỉ đến năm 2001, khi thành phố mở rộng đường Voi Phục - Cầu Giấy và đặc biệt đến năm 2003, khi tuyến đường Đào Tấn chính thức được thông xe thì xung quanh Vườn thú Hà Nội, đất cực kỳ có giá bởi nó rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Và hệ quả của nó là các vi phạm về sử dụng đất, cũng như TTXD tại khu vực này nối tiếp nhau ra đời.
Trên đường Voi Phục - Cầu Giấy xảy ra với một loạt các vi phạm, như quán cà phê Ban Mai, xây dựng không phép năm 1998, cà phê Hướng Dương xây dựng không phép năm 2000, quán bia 55 Cầu Giấy, karaoke Thuỳ Linh xây dựng không phép năm 2001, quán Cây Xanh, xây dựng không phép năm 2002, đại lý Nokia, xây dựng không phép năm 2003…
Có một thực tế đã xảy ra đối với những vi phạm tại Vườn thú Hà Nội, đó là các vi phạm sau bao giờ cũng lớn và nghiêm trọng hơn các vi phạm trước. Rõ nhất là năm 2003, khi tuyến đường Đào Tấn được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì đất mặt tiền tuyến phố này trở nên có giá trị và kéo theo đó là các đại nhà hàng, đại công trình xây dựng không phép xuất hiện.
Cụ thể, đó là các sân tập tenis số 3+5+7 và 9A phố Đào Tấn mọc lên năm 2002, với một loạt các công trình phụ trợ xây dựng không phép, trái phép với diện tích vi phạm lên tới… hàng nghìn m2. Đến năm 2005, tuyến phố này cũng mọc lên một đại nhà hàng Làng Việt rộng gần 1000 m2, cũng xây dựng không phép, sai phép.
Điều đáng nói là những vị trí kinh doanh "đắc địa" ở đây lại được thuê với giá "rất bèo", thậm chí có mảnh đất thuê một nửa, lấn chiếm một nửa mà không ai xử lý càng khiến các cá nhân, đơn vị tìm mọi cách để chen chân vào nơi đây. Dân thường thì đừng mong được thuê đất tại đây, phải là người có máu mặt, quan hệ rộng, lắm tiền, nhiều của hay chí ít cũng phải có chức sắc tại Vườn thú Hà Nội thì mới được thuê.
Đầu tiên phải kể đến là quán karaoke Thuỳ Linh với diện tích hơn 500m2, năm 2001 được Vườn thú cho thuê với giá... 3triệu đồng/tháng, đến năm 2006, giá thuê đất được điều chỉnh lại là 10 triệu đồng/tháng. Vậy chủ quán là ai mà được thuê đất với giá rẻ mạt mà dân thường có nằm mơ cũng không. Tìm hiểu thì được biết đó là bà Quán Thị Bình, cán bộ phòng tổ chức Vườn thú Hà Nội.
Hay như nhà hàng Làng Việt, ký kết hợp đồng với Vườn thú từ năm 2005, thuê 522m2 đất để mở nhà hàng với thời hạn 5 năm, lệ phí 10 triệu đồng/tháng. Nhưng khi thanh tra quận Ba Đình vào kiểm tra diện tích sử dụng đất thực tế tại nhà hàng này thì thấy thừa ra 450 m2 mà không phải trả tiền thuê đất.
Xin nói thêm là nhà hàng Làng Việt, nằm ở số 9 phố Đào Tấn có vị trí mặt tiền khá đẹp và người thuê đất là vợ một lãnh đạo thành phố và để hợp thức hoá, bà này được đích thân trưởng Công an quận Ba Đình làm giấy uỷ quyền thuê đất? Qua tìm hiểu, phóng viên cũng đã tìm ra một số công trình khác mà chủ của nó có mối quan hệ khá thân thiết với giám đốc Sở GTCC thời bấy giờ (từ năm 2005 trở về trước, Vườn thú Hà Nội chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GTCC).
Chính sự vào cuộc của báo chí mà những sai phạm tại đây mới được phanh phui, dẫn đến sự chỉ đạo xử lý rất sát sao của Thành uỷ, UBND TP. Lúc đầu, càng chỉ đạo sát sao thì việc giải quyết sai phạm lại càng lừng khừng, chậm chạp đến khó hiểu, kể cả khi đích thân Bí thư Thành uỷ đi kiểm tra thực tế, UBND thành phố ra thông báo chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm các vi phạm xong trong tháng 10/2007 nhưng việc giải quyết các vi phạm vẫn được triển khai với tốc độ "rùa".
Ấy là chưa kể đến việc nhà hàng Chiều Quê bất ngờ khai trương trên phần diện tích vi phạm, như thách thức dư luận. Mọi việc tưởng nhưsẽ diễn ra trôi chảy, nhưng thời hạn tháo dỡ công trình vi phạm cuối cùng cứ liên tục bị kéo dài. Cũng cần phải nói thêm là những vi phạm tại Vườn thú Hà Nội có trách nhiệm của cả lãnh đạo Vườn thú và quận Ba Đình. Nhưng đáng buồn thay cả 2 đơn vị này lại luôn đổ vấy trách nhiệm cho nhau và khất lần dư luận.
Trong lần làm việc với Vườn thú Hà Nội, lãnh đạo Vườn thú đã thừa nhận những sai phạm, nhưng khi được hỏi sao không xử lý thì vị lãnh đạo này trả lời tuy là chủ quản, nhưng xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của quận Ba Đình. Còn quận Ba Đình thì luôn khẳng định, vi phạm trên đất Vườn thú quản lý quận không thể biết? Nếu cần thì Vườn thú phải báo cho quận để xử lý? Anh bạn tôi ở trong làng thuộc phường Ngọc Hà, vừa khởi công cải tạo khu vệ sinh mà thanh tra xây dựng quận đã đến "hỏi thăm" ngay thế nhưng, hàng loạt các đại công trình xây dựng không phép, sai phép, trái phép xây dựng ngay trên các mặt phố chính chọc vào mắt người đi đường nhẽ nào quận lại không biết?
Khi bài viết này lên khuôn cũng là lúc các công trình xây dựng vi phạm tại vườn thú cuối cùng đã và đang được tháo dỡ sau bao tâm huyết cố gắng của Thành uỷ, Uỷ ban, công luận... Lãnh đạo Vườn thú đã được thay thế bằng người mới để sửa sai và khắc phục sai phạm. Với việc giải quyết triệt để "ung nhọt" tại Vườn thú Hà Nội, cũng như trước đó là việc cắt gọt các công trình trái phép, TP đã lấy lại được niềm tin của nhân dân thủ đô, hy vọng bước sang năm mới, thành phố sẽ quyết liệt hơn, mạnh tay hơn với mọi vấn đề của quản lý đô thị.
Theo Kinh Tế Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: